IBM mua lại Sterling của AT&T với giá 1,4 tỷ USD

Tập đoàn IBM ngày 24/5 cho biết tập đoàn này có kế hoạch mua lại bộ phận Sterling của hãng điện thoại AT&T với giá 1,4 tỷ USD.
Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM có trụ sở tại Armonk, New York (Mỹ) ngày 24/5 cho biết có kế hoạch mua lại bộ phận Sterling, chuyên sản xuất phần mềm giúp các doanh nghiệp mua bán với nhau, của hãng điện thoại AT&T với giá 1,4 tỷ USD.

Đây là thương vụ mua bán lớn của Tập đoàn IBM Corp kể từ sau vụ mua lại hãng sản xuất phần mềm kinh doanh Cognos năm 2008.

Trong một tuyên bố, IBM và AT&T nói rằng Sterling đang vận hành "các mạng lưới cộng tác" nơi mà các công ty có thể tương tác với các nhà sản xuất. Sterling có khoảng 18.000 khách hàng trên toàn thế giới và thúc đẩy hơn 1 tỷ thương vụ mỗi năm. Các khách hàng nổi bật của Sterling có thể kể tên như H.J. Heinz Co., Motorola Inc., Boise Cascade LLC và Boston Market Corp.

Bộ phận Sterling, có trụ sở ở Dublin, bang Ohio, Mỹ,  ít có mối liên hệ với đơn vị kinh doanh viễn thông chính của AT&T và vẫn duy trì thương hiệu riêng của mình.

Vào năm 2000 - thời kỳ đỉnh cao của cơn "bong bóng" Internet, hãng AT&T Inc. đã phải móc túi 3,9 tỷ USD cho thương vụ mua lại Sterling. Người phát ngôn của At&T McCall Butler nói rằng việc kinh doanh của AT&T đã thay đổi kể từ năm 2000 và Sterling đã không còn là nòng cốt đối với các mục tiêu chiến lược dài hạn của hãng này nữa. Bà Butler nói rằng với việc bán lại Sterling cho IBM, hãng AT&T sẽ khấu trừ hầu hết các khoản đã đầu tư ở Sterling. AT&T cũng hy vọng thương vụ sẽ đem lại khoản thu trước thuế xấp xỉ 750 triệu USD khi bộ phận này đóng cửa vào nửa cuối năm nay.

Tập đoàn IBM là một trong số ít những công ty công nghệ thông tin với một lịch sử liên tục kể từ thế kỷ thứ 19. IBM sản xuất, bán sản phẩm phần cứng và phần mềm máy tính cũng như đưa ra những dịch vụ cơ sở hạ tầng, hosting, dịch vụ tư vấn trong những vùng đang hạn chế từ những máy tính lớn đến những máy tính mang công nghệ nano.

IBM được biết đến gần đây như là một công ty sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, với hơn 355000 công nhân trên toàn thế giới. Ngoài ra, IBM còn là một trong 20 nhà phân phối chip bán dẫn hàng đầu thế giới./.

Khắc Hiếu/Washington (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục