IEO: IMF chịu áp lực chính trị khi quyết định cứu trợ Hy Lạp

Văn phòng Đánh giá độc lập (IEO) của IMF cho rằng quỹ này đã không tuân theo nguyên tắc của tổ chức và bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị từ các đối tác châu Âu trong quyết định cứu trợ Hy Lạp.
IEO: IMF chịu áp lực chính trị khi quyết định cứu trợ Hy Lạp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không tuân theo nguyên tắc của tổ chức và bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị từ các đối tác châu Âu trong quyết định cứu trợ Hy Lạp năm 2010.

Đây là kết luận của một đơn vị kiểm toán quốc tế độc lập đánh giá hoạt động quyết sách của IMF.

Trong báo cáo công bố ngày 28/7, Văn phòng Đánh giá độc lập (IEO) của IMF cho biết thể chế tài chính này đã không yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm nhẹ nợ như một phần trong gói cứu trợ tài chính 2010 cho Hy Lạp, bất chấp việc các chuyên gia cho rằng điều đó là then chốt đối với sự thành công của chương trình cứu trợ.

Theo IEO, trong cuộc khủng hoảng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ban lãnh đạo IMF đã không được thông tin đầy đủ và sử dụng quá ít cơ chế giám sát đối với những quyết định tạo gánh nặng lên nguồn quỹ của tổ chức này.

IEO đặc biệt chỉ trích sự vội vàng của ban lãnh đạo IMF, do cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Dominique Strauss-Kahn làm Tổng Giám đốc cho đến tháng 5/2011, khi tham gia Nhóm Bộ ba chủ nợ với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) để cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

Báo cáo cũng cho biết quyết định cho Hy Lạp vay nhiều hơn mức thông thường, được ban lãnh đạo IMF thông qua một cách vội vã, đã khiến những quốc gia không được hưởng sự linh hoạt này không hài lòng. Trong khi đó, quy trình này lại được lặp lại với Ireland và Bồ Đào Nha.

Theo đánh giá của IEO, ban lãnh đạo IMF, với truyền thống luôn do một người châu Âu đứng đầu và có "quan hệ mật thiết" với giới chức châu Âu, có thể dẫn tới "thiếu tinh tường" và thiếu tính độc lập khi đánh giá nguy cơ kinh tế trong các vấn đề nhạy cảm liên quan tới khu vực này.

Trong vụ cứu trợ Hy Lạp, IEO cho rằng IMF đã để mất tính độc lập và khả năng đánh giá tình hình rõ ràng sau khi tham gia nhóm Bộ ba cứu trợ. Thể chế này đã quá sẵn sàng chấp nhận theo quyết định của ECB và EC không tái cấu trúc khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp, một yêu cầu có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính của Athens, trước khi giải ngân gói cứu trợ 110 tỷ euro đầu tiên.

IEO cũng cho rằng việc sắp xếp cho cách nhân viên IMF làm việc cùng với đội ngũ của các thể chế khác trong Nhóm Bộ ba là bất thường và khiến áp lực chính trị hiện hữu rõ ràng. IEO nhấn mạnh sự tín nhiệm đối với IMF là do năng lực kỹ thuật và sự độc lập của các nhân viên, do đó các giám đốc điều hành phải đảm bảo các công việc chuyên môn phải được tách khỏi ảnh hưởng chính trị.

IEO cũng thừa nhận cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu khi đó là một thách thức khác thường và phức tạp và IMF lần đầu phải giải quyết tại các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, theo IEO, việc tham gia Nhóm Bộ ba khiến IMF mất đi tính lanh lẹ đặc trưng của một tổ chức kiểm soát khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục