IISS: Trung Quốc theo đuổi cuộc "vạn lý trường chinh" về tiền tệ

IISS cho rằng quyết định phá giá đồng nhân dân tệ ở mức 4,6% giúp Trung Quốc sớm biến đồng nhân dân tệ thành công cụ dự trữ được các nước sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
IISS: Trung Quốc theo đuổi cuộc "vạn lý trường chinh" về tiền tệ ảnh 1Kiểm tiền nhân dân tệ tại ngân hàng ở Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) ngày 21/8 cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi cuộc "vạn lý trường chinh" về chính sách tiền tệ nhằm biến đồng nhân dân tệ thành công cụ dự trữ được các nước sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.

Vì vậy, quyết định phá giá đồng nhân dân tệ ở mức 4,6% không chỉ tạo ra những tác động đối với nền kinh tế, mà còn giúp Bắc Kinh sớm đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn.

Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn thể hiện rất rõ quyết tâm đưa nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền có sức mạnh hàng đầu thế giới.

Bắc Kinh đã trải qua chặng đường khá dài để có thể thiết lập cơ chế tỷ giá, nâng cao tính minh bạch và niềm tin cho đồng nhân dân tệ.

Cuối năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tăng tốc tiến trình này bằng cách sử dụng rộng rãi đồng nhân dân tệ trong đầu tư và thương mại.

Bắc Kinh đã mở ra nhiều kênh để giới đầu tư quốc tế đổ tiền vào trái phiếu và cổ phiếu của họ, đồng thời thúc đẩy kế hoạch tự do hóa thị trường tài chính. Đây là những bước đi rất đáng kể nhằm từng bước giảm thiểu vai trò kiểm soát và chi phối của nhà nước đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng nhận định tất cả vẫn phụ thuộc vào quá trình vận hành cơ chế tỷ giá mới. Việc đồng nhân dân tệ trở thành công cụ dự trữ trên phạm vi toàn cầu sẽ mang lại nhiều lợi thế về địa chính trị và tài chính cho Trung Quốc. Mặc dù vậy, Bắc Kinh hiểu rằng đây là một chặng đường việt dã, chứ không phải nước rút./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục