IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp sau cuộc bầu cử

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde nói rằng định chế này đã sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Athens và sẽ tiến hành thảo luận với Chính phủ mới của nước này.
IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp sau cuộc bầu cử ảnh 1Những người ủng hộ đảng Syriza vui mừng trước kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử, tại Athens ngày 25/1. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong một tuyên bố ra ngày 26/1, một ngày sau khi đảng cánh tả Syriza của Hy Lạp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde nói rằng định chế này đã sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Athens và sẽ tiến hành thảo luận với Chính phủ mới của nước này.

IMF, cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), là ba chủ nợ cung cấp khoản cho vay cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (269 tỷ USD) từ năm 2010 cho Hy Lạp. Từ đó tới nay, Hy Lạp đã phải tiến hành cải cách để thực hiện cam kết "thắt lưng buộc bụng", điều kiện tiên quyết để nhận được gói cho vay cứu trợ này.

Ngày 26/1, ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng Syriza vốn theo đường lối không ủng hộ các biện pháp khắc khổ, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp, trở thành vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua của"xứ sở thần thoại". Ngay sau khi giành chiến thắng, đảng Syriza sẽ phải tiến hành đàm phán với bộ ba chủ nợ - chủ nợ của 70,5% tổng nợ của Hy Lạp - để nhận được khoản giải ngân cuối cùng trước khi chương trình cho vay cứu trợ 240 tỷ euro đáo hạn vào ngày 28/2 tới.

Đảng Syriza dự kiến sẽ đàm phán lại các điều khoản của chương trình cho vay cứu trợ, có thể bao gồm cả việc thương lượng lại nợ nần của nước này. Ưu tiên hàng đầu của tân Thủ tướng Tsipras là thực hiện cam kết đàm phán lại các điều khoản của gói cho vay cứu trợ 240 tỷ euro nói trên, bất chấp sự phản đối của các nước thành viên Eurozone.

Trước đó, ngày 29/12/2014, IMF đã thông báo tạm ngừng các cuộc đàm phán với các nhà chức trách Hy Lạp liên quan đến việc giải ngân khoản cứu trợ tài chính cho tới khi nước này thành lập được Chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 25/1. Đợt đánh giá thứ sáu chương trình cho vay cứu trợ thời hạn 4 năm trị giá 35 tỷ USD - nằm trong khuôn khổ gói cho vay cứu trợ 240 tỷ euro của bộ ba chủ nợ dành cho Hy Lạp - là nhằm đảm bảo Chính phủ Hy Lạp đạt được các mục tiêu ngân sách và cải cách trước khi IMF tung ra đợt giải ngân mới.

Sau khi đảng Syriza giành chiến thắng, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách EU nói rằng họ sẵn sàng cho Athens thêm thời gian để trả nợ, nhưng hầu như không có hy vọng họ sẽ giảm nợ hay xóa một phần nợ cho Hy Lạp, bởi điều này trái với quy định của Eurozone và có thể tạo tiền lệ cho các nước khác như Bồ Đào Nha và Ireland đưa ra những yêu cầu tương tự. "Núi nợ" của Hy Lạp hiện ở mức trên 170% GDP, vượt ra ngoài mức mà hầu hết các nhà kinh tế cho là có thể kiểm soát được.

Tại cuộc họp ngày 26/1 tại Brussels (Bỉ), bộ trưởng tài chính các nước Eurozone đã tiến hành thảo luận việc đối phó với vấn đề Hy Lạp khi nước này có chính phủ mới, nhất là trong bối cảnh gói cho vay cứu trợ 240 tỷ euro đề cập trên sắp đáo hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục