IMF: Trợ giá năng lượng trên toàn cầu có thể lên đến 5.300 tỷ USD

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo trợ giá năng lượng ước sẽ lên đến 5.300 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 6,5% quy mô kinh tế toàn cầu, vượt cả ngân sách dành cho y tế.
IMF: Trợ giá năng lượng trên toàn cầu có thể lên đến 5.300 tỷ USD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ieee-bv.org)

Trong một báo cáo công bố ngày 18/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo trợ giá năng lượng ước sẽ lên đến 5.300 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 6,5% quy mô kinh tế toàn cầu, vượt cả ngân sách dành cho y tế.

IMF cho đó là con số gây sốc, là một trong những yếu tố tiêu cực nhất cho tăng trưởng kinh tế mà thiết chế này từng đưa ra, khi gây thêm những tác động bất lợi đến hiệu quả, tăng trưởng và tình trạng bất bình đẳng. Báo cáo nói rằng trợ giá năng lượng năm 2015 tăng hơn gấp đôi so với năm 2011, khi con số ở mức khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương 2,9% GDP toàn cầu. IMF giải thích rằng hơn một nửa mức tăng là do những tác động tiêu cực của việc tiêu thụ năng lượng đến chất lượng không khí và sức khỏe.

IMF cho rằng các chính phủ trên thế giới đã đưa ra mức giá năng lượng mà không tính đến những tác hại về môi trường, sức khỏe... IMF vẫn luôn cho rằng việc xử lý hợp lý vấn đề giá năng lượng có thể giúp các chính phủ đạt được mục tiêu không chỉ về môi trường mà còn về tăng trưởng và tài chính công.

Theo IMF, Trung Quốc là nước chi nhiều nhất cho trợ giá năng lượng, ở mức 2.300 tỷ USD mỗi năm, tiếp đến là Mỹ với 699 tỷ USD và Nga với 335 tỷ USD. Thiết chế với 188 thành viên này khuyến nghị các nước nâng dần giá năng lượng đến gần giá thực, điều sẽ mang lại nguồn tài chính tương đương khoảng 3,5% GDP. Nguồn thu bổ sung này sẽ giúp các chính phủ có thể giảm một số loại thuế, tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và trợ giúp cho người nghèo.

Báo cáo được đưa ra vào lúc gần 200 quốc gia đang nỗ lực đạt thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ở Paris vào tháng 12 tới. Dừng trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch và thiết lập các chính sách tính phí cho việc thải khí cácbon được xem như là các giải pháp chính giúp ngăn chặn tình trạng ấm lên trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục