“In The Spotlight - Tuổi thơ Tôi”: Cuộc chơi trắc ẩn về miền ký ức

"Tuổi thơ Tôi" được hiểu nôm na “hát nhạc thiếu nhi cho người lớn nghe,” sống lại giai điệu thân thương một thời ấu dại, một miền kí ức trìu mến.
“In The Spotlight - Tuổi thơ Tôi”: Cuộc chơi trắc ẩn về miền ký ức ảnh 1Hồng Nhung và Bằng Kiều thân thiết trong họp báo “In The Spotlight - Tuổi thơ Tôi” tại Hà Nội. (Ảnh: MT)

[Peabo Bryson đến Việt Nam: “Giấc mơ Mỹ” và bài học của nhà sản xuất]

1. Là số đầu tiên mở màn không gian Tâm điểm âm nhạc 2017 – đêm nhạc mang chủ đề “Tuổi thơ Tôi” (18/6) tại Cung Văn hóa Hà Nội gồm những ca khúc thiếu nhi quen thuộc của nhiều thế hệ, tiếp tục là một “cuộc chơi” nghệ thuật hồn nhiên và đầy trắc ẩn của nhà sản xuất chuỗi chương trình In The Spotlight.

Nói như thế là bởi concept âm nhạc lần này được hiểu nôm na “hát nhạc thiếu nhi cho người lớn nghe,” giữa thời cả thị trường âm nhạc bùng nhùng trong một mớ ca múa phụ họa, thì việc làm một đêm nhạc tuyền ca khúc thiếu nhi thì đúng là như chơi, như giỡn. Chơi giỡn nhưng cũng là chơi ngông, chơi độc.

Một đêm nhạc thiếu nhi hát cho người lớn, có thể là vừa qua buổi bình minh và trưởng thành, hoặc đã chớm ngưỡng hoàng hôn của cuộc đời thì nay bỗng được nghe lại, nhớ lại, sống lại giai điệu thân thương một thời ấu dại, một miền kí ức trìu mến ê a thánh thót quả kỳ thú, an lành và trắc ẩn biết bao.

Nó khiến ai nghe xong cũng có thể bồi hồi một tình yêu tinh khôi, thiết tha trong lòng như là trẻ nhớ nhà, như là khăn mới thêu mà nhạc sỹ họ Trịnh từng viết. Suy cho cùng, tuổi thơ chính là nơi êm đềm nhất. Đó chính là cố hương của tâm hồn. Nên nếu hỏi, muốn quay lại quãng thời gian nào nhất trong cuộc đời, hẳn ai cũng đều mong mình được bé lại.

Âm nhạc hay ở chỗ không cần phải đao to búa lớn thì mới là nghệ thuật. Sáng tạo đôi khi phát hiện ra những điều nhỏ bé, bình thường, đã xa vắng trong đời sống thường ngày. Và nếu đảo chiều, đi ngược logic, làm thay đổi tính năng, diện mạo một mi-li-mét thôi, tất cả đã khác và mang lại một đời sống mới, giá trị mới, hình dung mới, độc đáo.

[“Đinh Mạnh Ninh Live”: Khi nhà sản xuất không còn chịu đứng yên]​

“In The Spotlight - Tuổi thơ Tôi”: Cuộc chơi trắc ẩn về miền ký ức ảnh 2Hồng Nhung trẻ trung, nhí nhảnh xuất hiện trước báo giới Hà Nội. (Ảnh: MT)

Chính vì thế trong văn học Việt Nam hiện đại mới có hiện tượng best-seller Nguyễn Nhật Ánh với biệt tài và phong cách viết truyện thiếu nhi cho người lớn đọc. Hay vài năm trước, nhạc sỹ Lê Minh Sơn chợt lóe ý tưởng phát hành đĩa nhạc tuyển tập những khúc hát ru dành cho người lớn, đặc biệt giới ngồi sau vôlăng, chỉ bởi suy từ mình, trong hối hả ngược xuôi của cuộc sống hiện đại nửa đời người lại bất chợt tỉnh giấc thấy thiếu, thấy thèm, thấy thiết được “ru lòng” qua những giai điệu ầu ơ thuở thơ ấu.

Một cử chỉ khác cho thấy ước muốn trở về ký ức qua âm nhạc đã và đang trở thành trào lưu trong vài năm gần đây khi các nhà tổ chức và thương hiệu trong nước đổ xô mời về những ban nhạc, ngôi sao nổi tiếng thế giới từ những thập niên 80, 90 để mang lại “món ăn” hoài niệm lại thời thanh niên sôi nổi cho công chúng.

Thế nên, dõi theo hành trình loay hoay, rong ruổi “bắt con nghệ thuật” khi nhất mực tôn vinh những tâm điểm âm nhạc cùng nỗ lực cân bằng giữa giá trị nghệ thuật và giải trí của chuỗi In The Spotlight từ 2011 đủ nhận ra sau những dung mạo, sau những đền đài, thời đại, ngày hôm nay khi “Kí Ức” trở thành tâm-điểm-âm-nhạc trong không gian In The Spotlight là sự ngoan cố, duy mỹ, duy tình của nhà sản xuất cũng như Giám đốc âm nhạc Hồng Kiên.

“In The Spotlight - Tuổi thơ Tôi”: Cuộc chơi trắc ẩn về miền ký ức ảnh 3Nam ca sỹ Bằng Kiều. (Ảnh: MT)

2. Khởi từ những đêm ca nhạc theo chủ đề “Người Hà Nội,” “Giai điệu Tổ quốc” đến chuỗi chương trình giới thiệu tâm điểm nhạc sỹ như Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Thanh Tùng… các ca sỹ trong và ngoài nước như Tuấn Ngọc, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trọng Tấn, Tấn Minh… mới đây là “Hà Trần hát Trần Tiến,” “Tùng Dương – Giao thoa” và bây giờ là “Tuổi thơ Tôi” cho thấy năng lượng bền bỉ, sự nhất quán, và khát vọng len lỏi đến mạch nguồn giai điệu đáng tự hào nhất, chạm tới những miền giá trị thuộc về di sản của tâm hồn, của chiều sâu xúc cảm hơn là giá trị thương mại.

“Tuổi thơ Tôi” sẽ giới thiệu những bài hát thiếu nhi nổi bật và quen thuộc của âm nhạc Việt Nam, gắn với ký ức về một thời thơ ấu nhiều gian khó nhưng vô cùng trong sáng, tươi đẹp và đầy hoài bão của nhiều thế hệ khán giả, đặc biệt là những người sinh ra, lớn lên trong chiến tranh và thời kỳ bao cấp. Chương trình sẽ tôn vinh tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhiều nhạc sỹ như: Hoàng Vân, Phạm Trọng Cầu, Phạm Tuyên, Hàn Ngọc Bích, Văn Chung, Bùi Đình Thảo, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn …Một số bài hát được dự kiến sẽ xuất hiện trong chương trình: “Đi học,” “Đưa cơm cho mẹ đi cày,” “Em đi giữa biển vàng,” “Em yêu trường em,” “Cánh én tuổi thơ,” “Mùa hoa phượng nở” …

Và vì hát nhạc thiếu nhi cho người lớn nghe nên bên cạnh hai giọng hát nhí là bé Ngọc Linh - “ngôi sao” của Nhà Văn hóa Thiếu nhi Quận Ba Đình và Nhật Minh (Quán quân The Voice Kids 2016) thì đêm nhạc có sự góp mặt của hai “ông sao lớn” là Hồng Nhung và Bằng Kiều.

Lạc quan mà nói Hồng Nhung chắc chắn là lựa chọn “đo ni đóng giày” cho concept “Tuổi thơ Tôi” vì giọng ca cũng như phong cách nhí nhảnh của cô luôn lấy được cảm tình và gợi lại nhiều nhất những ký ức tuổi thơ đẹp với cảm thức vừa trong veo, hồn nhiên, vừa hoài niệm cho những thế hệ khán giả 7x, 8x những ca khúc thiếu nhi phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.

Nhưng riêng Bằng Kiều, với cá nhân người viết bài thì lựa chọn này khá… ngang ngoài lý do là cái tên để bán vé. Nhưng theo thông tin từ chương trình thì ca sỹ này và nhạc sỹ Hồng Kiên vốn là bạn thân gắn bó từ thuở nhỏ, cùng trải qua thời thơ ấu tại Hà Nội, cùng chia sẻ nhiều kỷ niệm vui buồn nên đã có sự đồng cảm lớn khi biên tập các bài hát trong chương trình (!?)

Tại buổi họp báo mới đây tại Hà Nội, nam ca sỹ này cũng thật thà bộc bạch, thuở bé không mấy khi hát nhạc thiếu nhi vì thấy… dễ quá! Thế nên, ca sỹ này chỉ có hai bài “tủ” là“Đi học” “Chú ếch con,” thậm chí nếu có hát thì cũng chỉ thuộc một lời.​

“In The Spotlight - Tuổi thơ Tôi”: Cuộc chơi trắc ẩn về miền ký ức ảnh 4Hai ca sỹ thì đều được đánh giá là những giọng ca có khả năng hoạt ngôn, dí dỏm ngoài đời và trên sân khấu. (Ảnh: MT)

Trong hầu hết chương trình của Mỹ Thanh, ý tưởng âm nhạc càng truyền cảm hứng bao nhiêu thì khách mời nghệ sỹ lại gieo nhiều nghi ngại bấy nhiêu. Nên cuộc chơi luôn ẩn chứa nhiều may rủi, cảm tưởng thắng cũng nhờ vào ca sỹ mà bại cũng bởi ca sỹ.

Mặc dù đã được quản lý truyền thông trấn an, “cũng tính hết cả rồi,” nhưng khi nghe vậy, người viết bài lại nghĩ, nói là tính đấy nhưng trong tính lại chẳng toan tính gì đâu. Sự hồn nhiên, cực đoan duy mỹ hình như đã trở thành thuộc tính và cả tạng tính của êkíp này. Trộm nghĩ, đời sống cũng như nghệ thuật nếu mà cứ tính kỹ quá, vuông tròn quá thì đâu còn là bản năng nghệ sỹ, đâu còn là nghệ thuật, đâu còn riêng. Không gian nghệ thuật mà hẹp hơn là không gian âm nhạc thì không chỉ nghe mà còn là cảm. Đã là cảm thì không chỉ hay và không hay, mà còn là đẹp hay không đẹp, tình hay không tình.

3. Hỏi bà Mỹ Trang, nhà sản xuất của “In The Spotlight” về đường dài của tâm điểm kí ức thì được hé mở sau “Tuổi thơ Tôi” có thể là những kí ức gắn với lịch sử, văn hóa như kí ức về thời chiến, kí ức về Tết… Và vì tâm điểm là kí ức nên chương trình sẽ tiết giảm hết về dàn dựng để đầu tư về âm nhạc, kết nối xúc cảm nhờ vào mỹ thanh.

Thế nên, ngoài may rủi, cuộc chơi nghệ thuật cũng còn ẩn chứa cả những bất ngờ khiến chúng ta chờ đợi, điều mà Giám đốc âm nhạc Hồng Kiên đã làm được trong đêm “Hà Trần hát Trần Tiến.”

[Chuỗi “In the spotlight” trở lại với đêm “Hà Trần hát Trần Tiến"]

“In The Spotlight - Tuổi thơ Tôi”: Cuộc chơi trắc ẩn về miền ký ức ảnh 5Giám đốc âm nhạc Hồng Kiên ngẫu hứng cùng Hà Trần. (Ảnh: MT)

Cá nhân người viết thỉnh thoảng vẫn nghĩ chỉ khi là trẻ con mới thực sự là lúc mình cảm nhận được ý nghĩa và vẻ đẹp của cuộc sống, chúng ta - những người lớn, bất quá chỉ là những kẻ mất mát, sống dở phải bám vào trí nhớ và hoài niệm .

Rồi thì thể nào bạn cũng tự nói với mình rằng, những gì quý nhất, đẹp nhất lại là những điều đã qua đi, đã mất.Và cũng chính cái đẹp là điều quý giá mà con người luôn kiếm tìm, níu giữ và tôn thờ để chia sẻ cùng nhau, mang đến cho nhau, kết nối xúc cảm bởi một hình thức nào đó như là âm nhạc. Sự cứu rỗi của nghệ thuật là như vậy chăng?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục