Indonesia đa chiều trong tầm nhìn về một “trục biển toàn cầu”

Những ngày gần đây, chuyến công du của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến Nhật Bản và Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong khu vực.
Indonesia đa chiều trong tầm nhìn về một “trục biển toàn cầu” ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo và phu nhân đang có chuyến công du Trung Quốc. (Nguồn: Antaranews.com)

Nhìn lại thời gian từ khi lên nắm quyền, mặc dù ban đầu không được đánh giá cao về năng lực ngoại giao, nhưng có thể thấy, Tổng thống Jokowi vẫn có những bước điều chỉnh khá linh hoạt trong quan hệ quốc tế và khu vực.

Với vị thế là thành viên sáng lập ra ASEAN, phong trào không liên kết (hợp tác NAM), thành viên G20, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Indonesia đã có tiếng nói nhất định trong khu vực, trên trường quốc tế và đặc biệt là trong thế giới Hồi giáo.

Tổng thống Jokowi đang dẫn dắt Indonesia từng bước củng cố, nâng cao vị thế, tăng cường ngoại giao kinh tế, tích cực can dự, làm trung gian hòa giải cho các điểm nóng.

Quốc đảo này đã hình thành những chiến lược cân bằng riêng trên cơ sở tự cường dân tộc nhưng cũng rất linh hoạt, tích cực, ứng biến dựa trên cơ sở biến động của tình hình khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Indonesia cũng bị chi phối bởi nhiều vấn đề, không những sức ép từ trong nước, xuất phát từ các nhóm lợi ích và đảng phái liên quan tới vấn đề nội trị, mà còn trong quan hệ với các nước lớn vì lợi ích quốc gia, kinh tế và chính trị.

Về phương diện chủ quyền lãnh hải, chính sách ngoại giao "trục hàng hải" và tầm nhìn của ông Jokowi để Indonesia trở thành một "trục biển toàn cầu" giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã nhận được sự quan tâm đáng kể của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện chính sách ngoại giao phục vụ cho mục tiêu này, Indonesia cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Mặc dù quốc gia vạn đảo đã thiết lập ranh giới trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng việc phân định cụ thể với một số trong 10 quốc gia có chung ranh giới trên biển vẫn đang trong tiến trình đàm phán. Trong khi đó, chính sách cứng rắn trong xử lý với các tàu cá vi phạm lãnh hải Indonesia của ông Jokowi cũng gây nhiều tranh cãi và căng thẳng với một số quốc gia trong khu vực.

Về phương diện an ninh, Indonesia không những đóng vai trò trung tâm, thúc đẩy hàng hải và hoạt động kinh tế giữa hai châu lục và hai đại dương, mà còn phải đóng vai trò một quốc gia có trách nhiệm cao với việc tích cực can dự, làm trung gian hòa giải một số vấn đề hay điểm nóng không chỉ trong khu vực. Và để thực sự trở thành "trục hàng hải" trong khu vực thì Indonesia cần phải thông qua con đường ngoại giao để ngăn chặn các cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.

Thông qua phát triển hàng hải và tương tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Indonesia cũng mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ bằng tận dụng các nguồn tài nguyên biển.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng Indonesia đang tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và tích cực, còn gọi là chiến lược đối ngoại vòng tròn đồng tâm, trong đó xác định quan hệ với các đối tác dựa trên lợi ích quốc gia và phán đoán lý do đằng sau các mối quan hệ. Cân bằng động trong chính sách đối ngoại của Indonesia, thể hiện thái độ và vị trí của nước này trên “sân chơi toàn cầu” với sự pha trộn phức hợp các lợi ích khác nhau, không bị giới hạn bởi chủ quyền lãnh thổ.

Indonesia sẽ tích cực thể hiện vai trò trong các vấn đề quốc tế cũng như các công việc của khu vực châu Á, kể cả việc góp phần thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, trong đó có các siêu cường.

Nói một cách hình ảnh, theo chính sách đối ngoại độc lập tích cực, nếu lấy Indonesia làm trung tâm thì ASEAN là vòng tròn đồng tâm đầu tiên, gắn kết và mang tầm quan trọng của các nước láng giềng, tiếp theo là các đối tác quan trọng khác như Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Và tất nhiên, mục tiêu quan hệ quốc tế của Indonesia cũng dựa trên các mục đích khác nhau như kinh tế, văn hóa, an ninh...

Mục tiêu, tham vọng của Indonesia là vậy, nhưng trong thời gian tới Jakarta vẫn phải đầu tư rất nhiều cho các vấn đề trong nước liên quan tới trình độ phát triển, khoảng cách giàu nghèo, an ninh lương thực, năng lượng... vì thế khả năng đạt được kết quả như giới lãnh đạo nước này mong muốn cũng còn khá xa vời.

Indonesia sẽ phải thận trọng hơn trong quá trình triển khai các chính sách, vì một chính sách đối ngoại lý tưởng là một chính sách trong đó giới hoạch định phải nhận thức được những giới hạn của mình và không quá tham vọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục