Indonesia ưu tiên 4 lĩnh vực trong chính sách đối ngoại 2016

Bộ Ngoại giao Indonesia đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của năm 2016 tại Jakarta nhằm đánh giá hoạt động đối ngoại trong năm 2015 và công bố một số trọng tâm của năm 2016.
Indonesia ưu tiên 4 lĩnh vực trong chính sách đối ngoại 2016 ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: Trần Chiến/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 7/1, Bộ Ngoại giao Indonesia đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của năm 2016 tại Jakarta nhằm đánh giá hoạt động đối ngoại trong năm 2015 và công bố một số trọng tâm của năm 2016.

Đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2015, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh một số thành tựu của chính phủ Indonesia trong mối quan hệ với các nước khác. Các thành quả đối ngoại của Indonesia trong năm 2015 bao gồm duy trì chủ quyền quốc gia, công tác bảo hộ công dân, cải thiện ngoại giao kinh tế và nâng cao vai trò của Indonesia trong khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Indonesia nhấn mạnh 2015 là một năm bận rộn ngoại giao của nước này với việc tiến hành 64 cuộc họp song phương và quốc tế có sự tham dự của Tổng thống, 22 cuộc họp của Phó Tổng thống; hơn 155 cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và 46 Thứ trưởng các cuộc họp Ngoại giao; 158 hiệp định giữa Indonesia với các nước đối tác đã được nhất trí.

Theo Bộ trưởng Indonesia, việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Á-Phi với sự tham dự của 117 quốc gia và 2.850 đại biểu là một điểm nhấn trong năm đối ngoại 2015 của Indoensia. Vị thế của Indonesia ngày càng được đánh giá cao, điều đó có thể được nhận thấy từ sự hiện diện của khoảng 250 đại diện các quốc gia và các tổ chức quốc tế tại Indonesia.

Bộ trưởng Retno khẳng định chính sách ngoại giao của Indonesia trong năm 2016 sẽ tiếp tục phát huy những cơ sở và thành quả của năm 2015 với mục tiêu quan trọng nhất là đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Theo đó, năm 2016, Indonesia sẽ tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, vì lợi ích của mỗi bên và lợi ích chung của khu vực và trên thế giới, trong đó có việc đối phó với những thách thức như chủ nghĩa cực đoan, khủng bố… ASEAN với 3 trụ cột khi trở thành Cộng đồng sẽ là một nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Indonesia, trong đó, Indonesia sẽ tích cực cùng với các nước thành viên đóng góp vào các vấn đề chung hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025 vì sự phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Chính phủ Indonesia cũng tiếp tục theo đuổi chủ trương trở thành trục hàng hải của thế giới với việc phát triển năng lực trong các lĩnh vực hàng hải nhằm không chỉ mang lại lợi ích cho Indonesia, mà còn vì lợi ích của thế giới.

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Ấn Độ dương (IORA) giai đoạn 2015-2017, quốc đảo sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác hàng hải trong khu vực IORA. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của Indonesia cũng tập trung vào vấn đề quyền con người với việc tăng cường phúc lợi xã hội, giảm nghèo và các vấn đề về chống buôn bán người; quản lý thảm họa thiên tai; đối phó với biến đổi khí hậu…

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Retno cũng bày tỏ lạc quan rằng năm 2016 sẽ là năm tốt đẹp hơn đối với Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục