Indonesia và Thái Lan phối hợp chống đánh cá trái phép

Indonesia và Thái Lan phối hợp chặt chẽ chống đánh cá trái phép

Indonesia và Thái Lan vừa thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung chống đánh bắt cá trái phép - một hoạt động qua biên giới bị cáo buộc đang biến hàng nghìn công nhân ở Đông Nam Á thành "nô lệ."
Indonesia và Thái Lan phối hợp chặt chẽ chống đánh cá trái phép ảnh 1Những ngư dân bị ngược đãi được giải cứu trong cuộc đột kích của cảnh sát ở Benjina. Indonesia ngày 3/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 23/4, Indonesia và Thái Lan đã nhất trí thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung chống đánh bắt cá trái phép - một hoạt động qua biên giới bị cáo buộc đang biến hàng nghìn công nhân ở Đông Nam Á thành "nô lệ."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir cho biết trong cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Á-Phi tại thủ đô Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn và sẽ chỉ đạo thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giải quyết vấn nạn này.

Theo ông Nasir, Thủ tướng Chan-ocha thừa nhận Thái Lan có những vấn đề riêng với hoạt động đánh bắt cá trái phép và đang trấn áp hoạt động này ở bên trong các đường biên giới của mình.

Việc sử dụng lao động rẻ mạt trong ngành đánh bắt cá đã được chú ý trong thời gian gần đây sau khi công ty Pusaka Benjina Resources (Indonesia) bị cáo buộc ngược đãi và lạm dụng các ngư dân ở miền Đông nước này.

Nhà chức trách Indonesia sau đó tuyên bố có “dấu hiệu rõ rệt” là Pusaka hoạt động như một công ty bình phong cho các tổ chức đánh bắt thủy hải sản của Thái Lan. Ước tính các chợ đen hải sản đã khiến Indonesia thiệt hại tới 20 tỷ USD/năm.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 10/2014, Tổng thống Widodo đã mở chiến dịch cứng rắn nhằm vào các hoạt động đánh bắt cá trái phép, tiến hành tịch thu và đánh chìm những tàu không có giấy phép hoạt động.

Một vài trong số những tàu này còn bị tình nghi biến những ngư dân nước ngoài thành nô lệ. Đầu tháng này, hàng trăm ngư dân đã được trở về nhà sau khi được nhà chức trách Indonesia phát hiện trên các hòn đảo hẻo lánh ở miền Đông của Indonesia.

Tổ chức Di trú Quốc tế ước tính có tới 4.000 ngư dân có khả năng bị mắc kẹt tại các khu vực xa xôi của Indonesia, phần lớn là do bị các hãng đánh bắt cá trái phép bỏ rơi.

Đa số những ngư dân làm việc trong ngành đánh bắt cá trái phép tại Indonesia bị cho là nạn nhân của hoạt động buôn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục