Indonesia xác định chiến lược hội nhập kinh tế để đón đầu AEC

Với nhận thức cần phải tiến hành quá trình hội nhập thành công, Indonesia cần phải chấp nhận những điểm yếu khi hội nhập và phát huy những điểm mạnh của mình.
Indonesia xác định chiến lược hội nhập kinh tế để đón đầu AEC ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: glasslewis.com)

“Indonesia cần chuẩn bị cho hội nhập xuyên biên giới” là tiêu đề cũng là nội dung chính bài viết của tác giả Yosua Nainggolan, chuyên gia của Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính Indonesia (OJK), trên tờ Jakata toàn cầu số ra mới đây đánh giá về tiến trình hội nhập khu vực liên quan đến việc thành lập Cộng đồng ASEAN.

Trong bài viết, chuyên gia Nainggolan nhận định nếu như 15 năm trước, các nước ASEAN vẫn còn e ngại với thuật ngữ "toàn cầu hóa" với ý tưởng về một sân chơi thống nhất về thương mại-kinh tế, thì hiện tại, các quốc gia thành viên đang hướng đến biểu ngữ "hội nhập" - một phiên bản nhỏ hơn và được cho là phiên bản trước của “toàn cầu hóa.”

Là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) quy tụ các nước thành viên có "tư duy toàn cầu" và "phát triển thịnh vượng trong khu vực."

Sáng kiến này cùng với vô số sáng kiến nhỏ kèm theo được đề ra với mục đích biến Đông Nam Á thành một trung tâm kinh tế mạnh, phát triển thịnh vượng và sẽ tỏa sáng trên trường thế giới.

Về lý thuyết, mục tiêu này hoàn toàn có ý nghĩa thiết thực khi mà Đông Nam Á có đầy đủ điều kiện cần thiết để trở thành một nhân tố lớn trên thế giới.

Đông Nam Á là một trung tâm thương mại phát triển, sở hữu lượng dầu mỏ và khoáng sản lớn, có các trung tâm sản xuất công nghiệp thực sự, chưa kể đến khu vực này đang có dân số vàng mà nhiều nước phát triển đang khao khát.

Do đó, một khu vực Đông Nam Á hội nhập sẽ trở thành một "người chơi" thế lực.

Tuy nhiên, chuyên gia Nainggolan cho rằng sự hội nhập này là một sự toàn cầu hóa ở một quy mô nhỏ hơn, và do đó nhiều khả năng sẽ khiến nguy cơ cạnh tranh giữa các quốc gia vẫn tồn tại.

Một quốc gia tiến bộ với nền kinh tế hiệu quả hơn sẽ tận dụng và khai thác lợi thế về nguồn lực của quốc gia láng giềng kém phát triển hơn.

Đối với Indonesia, quốc gia Vạn đảo này nghiêng nhiều hơn về vế sau của câu chuyện, chẳng hạn như trên thị trường vốn.

Indonesia có thể trở thành nước có nhiều nhà đầu tư ra nước ngoài nhất khi chứng kiến dòng vốn ồ ạt chảy ra ngoài, tìm đến các nhà quản lý tài chính tốt và có thương hiệu hơn ở Malaysia và Singapore.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, xu hướng này không hoàn toàn xấu. Hội nhập khu vực là cần thiết cho ASEAN để cạnh tranh trên toàn cầu, nhưng cần lưu ý rằng hội nhập khu vực có thể khiến một số ngành công nghiệp trong nước trở thành “cây cảnh.”

Chính phủ Indonesia, các nhà quản lý thị trường và các ngành công nghiệp nhận ra rằng ưu tiên hiện nay là xác định các điều kiện tiên quyết để tham gia bất kỳ nỗ lực hội nhập nào.

Tuy nhiên, trong quá khứ, Indonesia đã luôn yêu cầu các điều kiện tiên quyết rất cao như một công cụ bảo hộ và "tấm khiên" che chắn trước hội nhập.

Do đó, Indonesia phải xây dựng ngành công nghiệp trong nước với các mục tiêu phát triển thực tế để hưởng lợi từ hội nhập.

Xác định và đáp ứng được các điều kiện này không phải là nhiệm vụ đơn giản, trước hết Indonesia cần phải phân tích thấu đáo các điều kiện hiện tại của khu vực, nơi đang chứng kiến sự bất lợi trong việc phải thay đổi chỉ trong một vài năm để thích nghi với sự cạnh tranh quá lớn.

Sau đó, Indonesia cần phải xác định được các lĩnh vực chiến lược phù hợp để tập trung nỗ lực giành lợi thế trong những lĩnh vực đó.

Với nhận thức cần phải tiến hành quá trình hội nhập thành công, Indonesia cần phải chấp nhận những điểm yếu khi hội nhập và phát huy những điểm mạnh của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục