IOC nỗ lực tìm cách giành lại sức hấp dẫn của Thế vận hội

IOC lo lắng khi cuộc chạy đua giành quyền tổ chức Đại hội thể thao Olympic mùa Hè 2020 rốt cuộc chỉ có vỏn vẹn 3 ứng cử viên tham gia.
IOC nỗ lực tìm cách giành lại sức hấp dẫn của Thế vận hội ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach. (Nguồn: Reuters)

Việc ngày càng có ít thành phố muốn xin đăng cai Thế vận hội đã khiến giới chức đứng đầu sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này phải tìm cách giải tỏa mối lo ngại của dư luận về chi phí tổ chức giải cũng như nới lỏng những quy định khắt khe mà các thành phố đăng cai phải đáp ứng trong quá trình tranh thầu.

Lãnh đạo Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã được "báo động" khi cuộc chạy đua giành quyền tổ chức Đại hội thể thao Olympic mùa Hè 2020 rốt cuộc chỉ có vỏn vẹn 3 ứng cử viên tham gia, với thành phố Tokyo của Nhật Bản giành chiến thắng. Mối lo ngại rằng Olympics đang để mất sự hấp dẫn tiếp tục tăng lên khi có một số thành phố đã rút lại kế hoạch xin đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2022, sau các cuộc thăm dò ý dân cho rằng việc tổ chức Olympics là quá tốn kém.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm giành lại sức hút của sự kiện thể thao này, Chủ tịch IOC Thomas Bach ngày 18/11 đã công bố một loạt khuyến nghị, trong đó có việc thay đổi quan niệm cứng nhắc về tiến trình tranh thầu. Các thành phố ứng cử viên giờ đây sẽ được "mời" tham gia và IOC cam kết sẽ luôn đồng hành với họ trong việc giúp chuẩn bị hồ sơ xin đăng cai cũng như những việc làm tiếp theo.

Trước đó, quyết định của thành phố Oslo của Na Uy rút khỏi cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2022 - khiến cuộc đua chỉ còn lại hai thành phố là Bắc Kinh của Trung Quốc và Almaty của Kazakhstan - đã gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Na Uy và IOC. Ngoài lý do chi phí tốn kém, giới chức Na Uy còn phàn nàn về tính tự cao tự đại quá mức của IOC khi đặt ra những yêu cầu phức tạp dài tới... 7.000 trang giấy cho các ứng cử viên phải đáp ứng. Đáp lại, IOC chỉ trích Oslo đã đưa ra quyết định dựa trên "một nửa sự thật và những điều không chính xác."

Trên thực tế, do nền kinh tế toàn cầu đang ở thời kỳ khó khăn nên việc chính phủ đồ tiền đổ của vào tổ chức các sự kiện thể thao lớn dễ gây phản ứng tiêu cực trong dư luận dân chúng. Tại Brazil, người dân từng tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ sử dụng tiền xây dựng trường học và bệnh viện để chi cho các sân vận động phục vụ World Cup 2014. Nhẳm giải tỏa mối lo ngại về vấn đề chi phí tổ chức, IOC sẽ khuyến khích các thành phố ứng cử viên tận dụng các cơ sở sẵn có cùng các địa điểm thi đấu tạm thời và có thể tháo dỡ được. Bên cạnh đó, IOC sẽ nới lỏng các quy định trước nay không cho phép tổ chức bất kỳ môn thi đấu Olympic nào ở bên ngoài thành phố đăng phố đăng cai, làm dấy lên triển vọng về hai thành phố có thể đệ đơn xin tổ chức chung. Ngoài ra, IOC cũng sẽ công bố hợp đồng thành phố chủ nhà và giúp các thành phố trang trải chi phí tranh thầu.

Và để tránh rơi vào tình trạng rắc rối như Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đang gặp phải liên quan đến tiến trình tranh quyền đăng cai World Cup 2018 và World Cup 2022, IOC đang thắt chặt chính sách quản lý của mình, theo đó sẽ yêu cầu các tư vấn viên và các nhà vận động hành lang trong tiến trình tranh thầu phải ký kết tuân thủ quy tắc đạo đức mà tổ chức này đặt ra.

Ông Thomas Bach trúng cử Chủ tịch IOC năm ngoái với cam kết hiện đại hóa phong trào Olympic. Trong số 40 khuyến nghị mà ông vừa đưa ra có việc lập một kênh truyền hình Olympic phát quanh năm để quảng bá các môn thi đấu Olympic. IOC sẽ bỏ phiếu về các khuyến nghị của ông trong tháng tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục