IPU-132: Thúc đẩy Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em

Chiều 31/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra sự kiện bên lề “Tham vấn về Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em.”
IPU-132: Thúc đẩy Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, chiều 31/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra sự kiện bên lề “Tham vấn về Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em.”

Nhiều đại biểu nghị viện các nước đã tham gia và có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho công tác này trong thời gian tới.

Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe 3 tham luận của các báo cáo viên về việc cập nhật Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em (Chiến lược 2.0); về tương lai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em; thúc đẩy vai trò của các nghị viện, nghị sỹ trong công tác này.

Hầu hết các đại biểu cho rằng công tác chăm sóc sức khỏe cho ba nhóm đối tượng trên đã được thực hiện rất tốt trong quá trình thực thi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), song một số chỉ tiêu vẫn chưa hoàn thành.

Tại một số nước và khu vực, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em còn cao; tình trạng mang thai ngoài ý muốn, mang thai ở trẻ vị thành niên và nạo phá thai vẫn nhức nhối do những khó khăn về tài chính, giáo dục, rào cản từ văn hóa, phong tục truyền thống, tình trạng xung đột, chiến tranh và nhiều yếu tố xã hội khác.

Nhiều chiến lược, kế hoạch bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em được đưa ra nhưng do thiếu nguồn lực, cả về nhân lực và tài chính, nên chưa triển khai hiệu quả trong thực tế.

Theo bà Nana Taona Kuo, Quản lý cấp cao Văn phòng điều hành của Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong giai đoạn quá độ từ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) sang thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), thế giới đang đứng trước cơ hội rất lớn trong việc thúc đẩy hành động bảo vệ sức khỏe phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả của công tác này trong Chiến lược toàn cầu 2.0, các chính phủ cần đưa các mục tiêu cụ thể về sức khỏe vào trong bộ tiêu chí của SDGs với tinh thần lấy con người làm trung tâm.

Giáo sư, tiến sỹ Marteen Temmermen kêu gọi chấm dứt hoàn toàn các trường hợp tử vong ở bà mẹ và trẻ em do những nguyên nhân có thể ngăn chặn được, nhất là tử vong trong vòng 24 giờ sau sinh; đẩy mạnh các biện pháp kế hoạch hóa gia đình nhằm ngăn chặn mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở trẻ vị thành niên; chăm sóc sớm sức khỏe cho trẻ em; đảm bảo chế độ dinh dưỡng và sức khỏe cho thanh thiếu niên, phụ nữ.

Giáo sư Marteen Temmermen nhấn mạnh, cần thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn nữa của các chính phủ, nghị viện, các tổ chức và cá nhân trong việc đảm bảo và cải thiện sức khỏe cho 3 nhóm đối tượng. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường vai trò của nghị viện với tư cách là cơ quan đại diện của dân thông qua việc hoàn thiện chương trình nghị sự về SDGs, rà soát các nghị quyết liên quan của IPU và thúc đẩy thực hiện trong thực tế.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, chia sẻ những kinh nghiệm sau hơn hai năm Việt Nam thực hiện nghị quyết của IPU về quyền cơ bản về tiếp cận y tế.

Cụ thể là Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế để tạo điều kiện cho mọi phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số đều được hưởng chính sách tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe. Việt Nam đã hoàn thành phần lớn trong số 46 điểm đã được IPU nêu ra trong vấn đề bảo vệ sức khỏe như ban hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và thành lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá phục vụ cho chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Việt Nam cũng đã đảm bảo 80% các thôn, bản có bà đỡ để giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ; bao cấp bảo hiểm y tế đối với người dân tộc, vùng sâu, vùng xa; có chính sách tốt đối với nhân viên y tế làm việc ở vùng sâu, vùng xa; tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi.

Liên quan đến việc xây dựng và thực hiện SDGs, đại biểu Việt Nam khuyến nghị cần đặt ra tỷ lệ bao phủ Luật Bảo hiểm y tế. Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ bao phủ từ 70% dân số hiện nay lên 80% – 85% trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức đến việc giáo dục trẻ vị thành niên trong bối cảnh bùng nổ thông tin, tình trạng phát triển sớm ở trẻ em; xây dựng các cơ chế thương thảo về giá giữa các nhà nước và các công ty dược xuyên quốc gia để có được giá thuốc hợp lý cung cấp cho mọi người dân.

Về vai trò và trách nhiệm của các nghị viện trong việc triển khai thực hiện SDGs, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng các nghị sỹ và nghị viện cần có thiện chí chính trị trong việc ủng hộ các Bộ luật do chính phủ đệ trình; cần phân bố ngân sách phù hợp cho lĩnh vực y tế để đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tốt nhất cho người dân; đồng thời phải có trách nhiệm giám sát để đảm bảo tất cả các chương trình, dự án, chiến lược phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

Nghị sỹ của Oman, Siera Leon, Zimbabue, Timor L’este cũng cho rằng các nghị sỹ cần thúc đẩy kết nối giữa các nghị viện, nghị sỹ và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân. Các nhà nước cần đảm bảo sự bao phủ tốt hơn cả về giáo dục, kinh tế và nhân lực để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng các chính sách y tế.

Các nước phát triển cần tăng cường trách nhiệm trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ y tế và khỏa lấp những thiếu hụt về tài chính; đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ sức khỏe phụ nữ, thanh thiếu niên và trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục