Iran: Hạn chế nhập cư là cách thể hiện đáng xấu hổ về lòng hiếu khách

Ngoại trưởng Iran cho rằng việc Mỹ hạn chế nhập cư đối với người Hồi giáo là "cách thể hiện đáng xấu hổ" về lòng hiếu khách có chọn lọc của quốc gia này.
Iran: Hạn chế nhập cư là cách thể hiện đáng xấu hổ về lòng hiếu khách ảnh 1Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc họp báo ở Berlin, Đức ngày 27/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh hạn chế nhập cư mới có hiệu lực của Mỹ, áp dụng với công dân đến từ 6 quốc gia Hồi giáo, trong đó có Iran.

Trong một chia sẻ đăng tải trên trang twitter cá nhân, Ngoại trưởng Iran cho rằng việc Mỹ hạn chế nhập cư đối với người Hồi giáo là "cách thể hiện đáng xấu hổ" về lòng hiếu khách có chọn lọc của quốc gia này.

[Sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Mỹ chính thức có hiệu lực]

Theo luật cấm tạm thời mới có hiệu lực từ chiều 29/6, các công dân đến từ 6 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen bị cấm nhập cư vào Mỹ trong vòng 90 ngày đối với du khách và 120 ngày đối với người tị nạn trừ khi những người này chứng minh có mối quan hệ huyết thống với cha/mẹ, chồng/vợ, con nhỏ, con trai/gái trưởng thành, con rể, con dâu hoặc anh/chị/em ruột ở Mỹ.

Như vậy các mối quan hệ như bà/cháu, cô, dì, chú, bác và các mối quan hệ khác đều chịu ảnh hưởng của sắc lệnh này.

Hiện có hơn 1 triệu người gốc Iran đang sinh sống tại Mỹ, vì vậy việc sắc lệnh trên được thực thi là mối lo ngại lớn đối với cộng đồng này. Nhiều người Mỹ gốc Iran cũng bày tỏ sự phản đối trên các tài khoản mạng xã hội.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng sắc lệnh hạn chế nhập cư là biện pháp cần thiết để ngăn chặn những kẻ khủng bố xâm nhập vào quốc gia này.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư được Tổng thống Donald Trump ký hôm 6/3 và có nhiều điều chỉnh "mềm mỏng" hơn so với sắc lệnh cũ công bố hồi cuối tháng Một.

Tuy nhiên, giới chức tư pháp các bang của Mỹ cho rằng dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là thách thức đối với nền tảng Hiến pháp Mỹ khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.

Nhiều tòa án tại Mỹ đã liên tiếp ra các phán quyết nhằm ngăn chặn việc triển khai sắc lệnh trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục