Israel hoãn thông qua thỏa thuận hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ

Israel hoãn thông qua thỏa thuận hòa giải sau khi quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng do lính Israel đột kích tàu chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza năm 2010.
Israel hoãn thông qua thỏa thuận hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quyết định hoãn thông qua thỏa thuận hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng liên quan tới sự kiện lính Israel đột kích chiếc tàu Mavi Marmara chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza của Palestine năm 2010.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết quyết định của ông Netanyahu liên quan tới những lo ngại về chính trị trong nước và áp lực từ các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ với Palestine. Các điều khoản trong thỏa thuận đã được hoàn tất và trình lên lãnh đạo hai nước để thông qua hồi tháng Hai, song ông Netanyahu chưa ký văn kiện này.

Tháng Hai vừa qua, truyền thông địa phương cho biết Israel sắp ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để tái thiết lập mối quan hệ và trả tiền bồi thường cho gia đình của chín nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ bị binh sỹ Israel giết hại trên tàu Mavi Marmara.

Sau nhiều tháng đàm phán, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thỏa thuận này dự kiến được ký kết sau khi diễn ra các cuộc bầu cử thành phố tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/3. Khi các điều khoản được hoàn tất, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét văn kiện này.

Sự kiện binh sỹ Israel đột kích tàu Mavi Marmara đã gây phản ứng giận dữ của cộng đồng quốc tế và đẩy quan hệ vốn căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vào cuộc tranh cãi ngoại giao nghiêm trọng, với việc Ankara trục xuất đại sứ Israel cũng như yêu cầu lời xin lỗi chính thức và bồi thường từ phía Tel Aviv.

Đàm phán về bồi thường đã được khởi động hồi tháng 3/2013 sau khi Israel xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ thông qua sự trung gian hòa giải của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm Israel.

Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu đã đến Israel đầu tháng 2/2014 để thảo luận các điều khoản thỏa thuận. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng luật để ngăn các vụ kiện chống Israel về vấn đề tàu Mavi Marmara, cũng như không phản đối việc nâng cấp quan hệ của Israel với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục