Israel, Palestine bí mật đàm phán để khôi phục sự kiểm soát của PA

Giới chức an ninh Israel và Chính quyền Palestine (PA) đang tiến hành các cuộc thương lượng bí mật trong tháng qua, nhằm từng bước khôi phục kiểm soát an ninh của Palestine tại Khu A ở Bờ Tây.
Israel, Palestine bí mật đàm phán để khôi phục sự kiểm soát của PA ảnh 1Lực lượng an ninh và cứu hộ Israel làm nhiệm vụ tại hiện trường một vụ xả súng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Truyền thông Israel ngày 14/3 tiết lộ rằng giới chức an ninh của nước này và Chính quyền Palestine (PA) đang tiến hành các cuộc thương lượng bí mật trong tháng qua, nhằm từng bước khôi phục sự kiểm soát an ninh của Palestine đối với các thành phố thuộc Khu A ở Bờ Tây.

Theo đề xuất của Tel Aviv, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) sẽ chấm dứt các hoạt động thường xuyên tại Khu A, trừ những trường hợp được gọi là "bom hẹn giờ."

Israel đề nghị rút quân khỏi các thành phố Ramallah và Jericho của Palestine và nếu biện pháp này thành công thì sẽ được mở rộng sang những thành phố khác ở Bờ Tây.

Các biện pháp này nhằm tránh gây thiệt hại cho sự phối hợp an ninh giữa IDF và các lực lượng an ninh Palestine, ổn định tình hình và giảm va chạm giữa IDF và người Palestine. Các quan chức Israel cho biết công tác đàm phán hiện đang bế tắc song có thể nối lại.

Khu A bao gồm những thành phố lớn của Palestine và các làng mạc xung quanh, chiếm khoảng 1/5 vùng lãnh thổ Bờ Tây.

Theo hiệp ước Oslo, sự kiểm soát dân sự và an ninh đối với những khu vực này thuộc về PA. Nhưng kể từ cuộc nổi dậy lần thứ 2 năm 2002, Israel đã không tuân thủ thỏa thuận và có sự hiện diện thường trực của quân đội tại Khu A.

Truyền thông khu vực ngày 14/3 cho biết Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi đấu tranh bạo lực chống Israel, cho rằng cách duy nhất để thành lập nhà nước Palestine là thông qua con đường ngoại giao.

Trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình "Scoopi TV" của Kuwait, ông Abbas thể hiện mong muốn khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp với bất kỳ nhân vật nào của Israel.

Ông khẳng định sẽ không tham gia hay cho phép đấu tranh bạo lực chống Israel, vì điều này chỉ "làm tổn hại nhân dân và đất nước" Palestine. Nhà lãnh đạo PA nhấn mạnh rằng những hành động tương tự trong giai đoạn 2000-2005 đã phá hủy đất nước Palestine mà không đạt được thành quả gì. Ông nói: "Trái lại, dư luận quốc tế đứng về phía Israel."

Liên quan tới sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh của Palestine, Tổng thống Abbas nói: "Thế giới đã bắt đầu thay đổi, thể hiện qua sự phản đối của châu Âu đối với các khu định cư Israel và việc dán nhãn hàng hóa Israel sản xuất tại Bờ Tây. Ngay cả Mỹ cũng không thể tuyên bố ủng hộ các khu định cư. Trước mắt, chúng tôi không thể giải phóng Palestine, nhưng rồi sẽ đạt được mục tiêu này nếu xây dựng nhà nước từng bước một."

Ngày 14/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố thỏa thuận giữa nước này và Palestine chỉ đến sau khi nhà nước Do Thái hòa giải với các quốc gia Arab láng giềng.

Thủ tướng Netanyahu nói: "Nếu ai đó từng nghĩ rằng một giải pháp đột phá với người Palestine sẽ giúp Israel cải thiện mối quan hệ với thế giới Arab thì điều ngược lại đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Việc thế giới Arab có quan điểm mềm mỏng hơn sẽ giúp Israel đạt được một thỏa thuận thực sự và lâu dài với các láng giềng Palestine."

Theo ông Netanyahu, mối quan hệ của Israel với các nước Arab đã cải thiện do những mối đe dọa từ Iran và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông nhận định: "Ngày càng có nhiều nước nhận ra rằng Israel không phải là kẻ thù của thế giới Arab mà là đối tác trong cuộc đấu tranh chung chống những kẻ Hồi giáo cực đoan."

Thủ tướng Netanyahu tỏ ý hy vọng rằng mối quan hệ đối tác giữa Tel Aviv và các nước Arab sẽ dẫn tới việc người Palestine thông qua những quan điểm thực tế và trách nhiệm hơn về một thỏa thuận tương lai với Israel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục