Israel sẽ rút khỏi Bờ Tây nếu không đạt thỏa thuận

Israel sẽ cân nhắc hành động đơn phương như rút khỏi Bờ Tây, nếu các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine không đạt kết quả.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết nước này sẽ cân nhắc hành động đơn phương, trong đó có thể bao gồm việc rút khỏi Bờ Tây, nếu các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine không đạt kết quả.

Phát biểu tại một hội thảo thường niên do Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia (INSS) thuộc Đại học Tel Aviv tổ chức ngày 30/5, ông Barak cho rằng nếu không đạt được thỏa thuận toàn diện với Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA), Tel Aviv cần cân nhắc một thỏa thuận tạm thời hoặc một hành động đơn phương.

Ông Barak cũng nhấn mạnh liên minh cầm quyền hiện nay tại Israel giữ 94 ghế nghị sỹ, chiếm trên 75% số ghế tại Quốc hội, có khả năng dẫn dắt tiến trình ngoại giao của Israel.

Tại hội thảo, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Israel, hiện là Viện trưởng INSS Amos Yadlin tán thành quan điểm của Bộ trưởng Barak, cho rằng PNA không chịu nhượng bộ về quyền hồi hương của người tị nạn đồng thời không chịu công nhận Israel là một nhà nước Do thái.

Theo ông Yadlin, INSS không nhìn thấy bất kỳ giải pháp nào có thể tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay trong tương lai gần. PNA ngay lập tức đã ra tuyên bố phản đối phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Israel.

Người phát ngôn của Tổng thống PNA, ông Nabil Abu Rdineh, cho rằng bất cứ hành động đơn phương nào cũng là đi ngược lại tiến trình hòa bình, sẽ dẫn tới bạo lực và có thể bóp chết ý tưởng hai nhà nước.

Ông Rdineh nhấn mạnh phía Palestine đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận toàn diện với Israel, đồng thời khẳng định lại quan điểm của PNA là Nhà nước Palestine độc lập sẽ có đường biên giới như trước cuộc chiến năm 1967 và yêu cầu Israel phải hoàn trả các vùng đất chiếm đóng.

Ông Rdineh nhấn mạnh Palestine sẽ không chấp thuận bất kỳ thỏa hiệp nào nếu Israel không trao trả Đông Jerusalem cho Nhà nước Palestines.

Bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải của Nhóm Bộ Tứ (Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga) và cộng đồng quốc tế, tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc từ năm 2010, khi Israel tiếp tục cho xây dựng các khu định cư Do Thái tại Đông Jerusalem, vùng đất gây tranh cãi nhất trong cuộc xung đột dai dẳng giữa hai bên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục