Israel trước nguy cơ mâu thuẫn do "dự luật dân tộc" gây tranh cãi

Nội các Israel đã thông qua dự luật "dân tộc" sửa đổi đầy tranh cãi, trong đó tuyên bố quốc gia này là nhà nước của người Do Thái và không coi tiếng Arab là ngôn ngữ chính thức.
Israel trước nguy cơ mâu thuẫn do "dự luật dân tộc" gây tranh cãi ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ ba, trái) tại một phiên họp Nội các ở thủ đô Jerusalem. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nội các Israel đã thông qua dự luật "dân tộc" sửa đổi đầy tranh cãi, trong đó tuyên bố quốc gia này là nhà nước của người Do Thái và không coi tiếng Arab là ngôn ngữ chính thức.

Các bộ trưởng Israel xác nhận dự luật trên đã được Ủy ban Pháp chế Israel thông qua ngày 7/5, song vẫn cần phải được đưa ra bỏ phiếu ba vòng tại Quốc hội Israel để chính thức trở thành luật.

Trong khi đó, nhật báo Haaretz đưa tin nếu dự luật chính thức vượt qua ba vòng bỏ phiếu nói trên, tiếng Arab sẽ không được coi là ngôn ngữ chính của Israel, mà sẽ có quy chế đặc biệt và những người sử dụng ngôn ngữ này vẫn được quyền đảm bảo các vị trí việc làm phù hợp trong các cơ quan nhà nước.

Cũng theo dự luật, tiếng Hebrew, hay còn gọi là tiếng Do Thái, sẽ được coi là "ngôn ngữ quốc gia" của nước này.

Hiện có khoảng 17,5% dân số Israel là người Arab. Các cơ quan công quyền và các tổ chức chính phủ đang sử dụng cả tiếng Hebrew và tiếng Arab. Tuy nhiên, dự luật sửa đổi nói trên do nghị sỹ Avi Dichter, một thành viên trong đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất, đã vấp phải sự phản đối từ những người có quan điểm trái ngược, cho rằng văn kiện này thể hiện sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc.

Một số nghị sỹ gốc Arab trong Quốc hội Israel cho rằng việc thông qua dự luật này là hành vi chà đạp lên quyền của các cộng đồng thiểu số, một cách để biến họ thành "công dân hạng hai"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục