Italy đã chính thức thông qua dự luật cải cách bầu cử Italicum

Hạ viện Italy đã chính thức thông qua dự luật cải cách bầu cử mà Thủ tướng Matteo Renzi và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền kỳ vọng sẽ làm thay đổi hệ thống bầu cử của đất nước.
Italy đã chính thức thông qua dự luật cải cách bầu cử Italicum ảnh 1Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với 334 phiếu thuận, 61 phiếu chống và 4 phiếu trắng, Hạ viện Italy trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 4/5, đã chính thức thông qua dự luật cải cách bầu cử mà Thủ tướng Matteo Renzi và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền kỳ vọng sẽ làm thay đổi hệ thống bầu cử của đất nước.

Được gọi là "Italicum," luật cải cách bầu cử mới chỉ được áp dụng riêng cho Hạ viện, sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2016, thời điểm dự kiến cải cách hiến pháp được thông qua, theo đó Thượng viện không còn là một cơ quan lập pháp.

Theo luật bầu cử mới, đảng nào giành được trên 40% số phiếu bầu sẽ được một đa số ghế trong Hạ viện (340 ghế trong tổng số 630 ghế).

Nếu không đảng nào đạt được số phiếu như trên, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ diễn ra giữa hai đảng giành được nhiều phiếu nhất trong tổng tuyển cử vòng một.

Đảng giành chiến thắng trong "vòng chung kết" đó sẽ được đa số ghế trong Hạ viện. Những đảng thất bại sẽ chia nhau 290 ghế còn lại dựa theo tỷ lệ phiếu giành được. Tuy nhiên, để được có ghế trong Hạ viện, các đảng phải giành được ít nhất 3% số phiếu bầu.

Ngay sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng Matteo Renzi đã viết trên trang Twitter cá nhân của mình rằng "chính phủ đã giữ được lời hứa."

Trước đó, ông cũng khẳng định chính phủ đặt nhiều hy vọng vào việc thông qua Italicum và sẽ là một thảm họa nếu luật bầu cử mới bị quốc hội bác bỏ.

Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano, thủ lĩnh đảng nhỏ Cánh hữu mới (Ncd) liên minh với Pd trong chính phủ nhận định đạo luật mới sẽ đem đến "sự ổn định" cho nền chính trị Italy.

Mặc dù vậy, quá trình liên tục thúc đẩy việc thông qua Italicum của Thủ tướng Renzi vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay từ trong đảng Pd, khi nhiều thành viên phe thiểu số của đảng này cho rằng Italicum sẽ làm giảm quyền của Quốc hội và tăng thêm quyền lực cho chính phủ.

Trong khi đó phe đối lập, bao gồm đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, Phong trào 5 Sao và một số đảng nhỏ khác, đòi hỏi phải sửa đổi các điều khoản trong dự luật, với lý do sẽ không có đảng nào có thể đạt được 40% số phiếu cử tri.

Việc thông qua "Italicum" được coi là một thắng lợi quan trọng của Thủ tướng Matteo Renzi và đảng Pd, vốn theo đuổi việc cải cách luật bầu cử này từ những ngày đầu thành lập chính phủ và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông.

Luật bầu cử cũ, còn gọi là "Porcellum," quy định một hệ thống các cách tính khá phức tạp cho các đảng phái và liên minh, được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc tổng tuyển cử tháng 2/2013 bất phân thắng bại, tiếp tục đẩy nền chính trị Italy khủng hoảng.

Ông Renzi lúc đầu đã thương lượng và đạt được thỏa thuận với thủ lĩnh đối lập Silvio Berlusconi về việc cải cách luật bầu cử và cả cải cách Hiến pháp nhằm thu hẹp quyền lực của Thượng viện, nhưng sau đó, ông đã gạt bỏ Berlusconi khỏi thỏa thuận này, khi đề cử nghị sỹ Sergio Mattarella, từng được cho là kẻ thù của ông Berlusconi, vào chức Tổng thống Italy.

Trước khi tiến hành vòng bỏ phiếu này để thông qua Italicum, chính phủ đã 3 lần đánh cược số phận bằng cách đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nhằm thúc đẩy thông qua các sửa đổi càng nhanh càng tốt. Chính phủ đã vượt qua được cả 3 cuộc bỏ phiếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục