Italy đẩy mạnh chống tham nhũng trong các tập đoàn vốn nhà nước

Italy đẩy mạnh chống tham nhũng trong các tập đoàn có vốn nhà nước

Một loạt biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa công tác chống tham nhũng và đưa ra xét xử những kẻ tham nhũng trong bộ máy chính quyền là kế hoạch mà Bộ Kinh tế và Tài chính Italy vừa công bố.
Italy đẩy mạnh chống tham nhũng trong các tập đoàn có vốn nhà nước ảnh 1(Ảnh minh họa)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, một loạt biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa công tác chống tham nhũng và đưa ra xét xử những kẻ tham nhũng trong bộ máy chính quyền là nội dung chính của một kế hoạch dài 12 trang mà Bộ Kinh tế và Tài chính Italy và Cơ quan chống tham nhũng cấp quốc gia Italy vừa soạn thảo.

Văn bản này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một bê bối lớn liên quan đến một đường dây tham nhũng do một chuyên viên tư vấn kỹ thuật ở Bộ Phát triển Cơ sở Hạ tầng và Giao thông, đứng đầu vỡ lở, khiến ông ta và 3 người khác bị bắt, hơn 50 người bị điều tra, trong đó có nhiều chính trị gia và làm cho Bộ trưởng Bộ này phải từ chức.

Báo chí Italy cho rằng văn bản này là một cẩm nang để hàng loạt các tập đoàn có vốn nhà nước của Italy trực thuộc sự quản lý của Bộ Kinh tế và Tài chính Italy có thể tiến hành việc chống tham nhũng có hiệu quả.

Trong số các biện pháp đưa ra có việc yêu cầu tất cả các công ty phải lập ra một chuyên viên chống tham nhũng, tiến hành việc xác định những "khu vực nhạy cảm" có khả năng bị tham nhũng, thực hiện minh bạch hóa bằng cách công khai thu chi, xem xét năng lực của lãnh đạo nhằm thay thế những người yếu kém và xoay vòng những cán bộ có chất lượng, đồng thời khuyến khích và bảo vệ những người lên tiếng phát giác các hành vi tham nhũng trong các tập đoàn này.

Bộ Kinh tế và Tài chính Italy hiện tại đang kiểm soát về tài chính và nhân sự đối với hàng trăm tập đoàn lớn nhỏ có vốn của nhà nước, trong đó có những tập đoàn lớn mà nhà nước có cổ phần, như ENI (năng lượng, 30,33%); ENEL (điện, 25,5%), Finmeccania (công nghiệp quốc phòng, 30,20%) cũng như tập đoàn giữ vai trò then chốt khác với nền kinh tế mà nhà nước giữ 100% cổ phần như ANAS (quản lý hệ thống đường bộ), ENAV (quản lý hàng không dân sự) hay Sogin (quản lý các nhà máy điện nguyên tử).

Trong nhiều năm qua, nhiều vụ bê bối liên quan đến các tập đoàn này đã được đưa ra ánh sáng, do tham nhũng hoặc quản lý yếu kém, làm thiệt hại không nhỏ cho nhà nước.

Năm ngoái, Tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International) đánh giá Italy là một trong những nước có mức độ tham nhũng cao nhất châu Âu. Chính phủ Italy ước tính tham nhũng khiến nước này thiệt hại ít nhất 60 tỷ euro mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục