Italy: Số người thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2008

Theo Cơ quan thống kê nhà nước Italy, đã có 6,3 triệu người thất nghiệp hoặc nửa thất nghiệp trong năm 2013, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2008.
Italy: Số người thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2008 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

6,3 triệu người thất nghiệp hoặc nửa thất nghiệp trong năm 2013, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu xảy ra, trong khi hiện ở Italy có hơn 3 triệu gia đình sống trong cảnh nghèo khổ, 2 trong số đó không có thu nhập hay lương hưu.

Đó là bức tranh ảm đạm về nghề nghiệp và đời sống gia đình ở Italy kể từ ngày cuộc khủng hoảng kinh tế dài và nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II xảy ra mà Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) vẽ nên trong bản báo cáo trình Hạ viện nước này hôm 28/5.

Trong báo cáo có tên “Tình trạng đất nước,” ISTAT cho biết số thanh thiếu niên không đi học và cũng không đi làm trong tuổi từ 15 đến 24 ở nước này trong năm 2013 đã tăng 4,5% so với năm trước đó, đạt 40%, trong khi số người không có việc làm trong thời gian hơn một năm cũng đã tăng lên tới 56,4% số người thất nghiệp.

Sự bấp bênh của nền kinh tế cũng kéo theo số người có hợp đồng dài hạn giảm 6,1% so với năm 2012. Khủng hoảng kinh tế đã khiến không ít người Italy phải bỏ ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội việc làm. Hơn 100.000 người đã ra đi kể từ năm 2011, trong đó có đến 68.000 người rời Italy chỉ tính riêng trong năm 2012.

Báo cáo của ISTAT còn phơi bày nhiều vấn đề nữa mà Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của khối EU, phải đương đầu. Không chỉ phải đối phó với tình trạng thất nghiệp gia tăng và sự nghèo đói lan rộng, Italy còn gặp cả vấn đề lão hóa dân số.

Trong năm 2013, chỉ có hơn 500.000 đứa trẻ được sinh ra ở Italy, ít hơn 12.000 so với mức được cho là thấp kỷ lục trước đó vào năm 1995. Không phải cho đến bây giờ, người Italy mới lười đẻ, khiến tỷ lệ sinh luôn thấp, nhưng trong những năm gần đây, nguy cơ thất nghiệp và sự thiếu chắc chắn về chỗ làm đã khiến rất nhiều người, đặc biệt là trong giới trẻ, không dám sinh con, hoặc thường là sinh rất muộn.

Italy hiện là một trong số những quốc gia già nhất thế giới, Trong EU, với tương quan cứ 100 thiếu niên dưới 15 tuổi thì có 151,4 người trên 65 tuổi, Italy chỉ đứng thứ 2 trong các nước EU về tỷ lệ này, sau Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục