Italy và Libya ký thỏa thuận phát triển khí đốt trị giá 8 tỷ USD

Italy-Libya sẽ đầu tư 8 tỷ USD vào phát triển khí đốt cũng như năng lượng mặt trời và thu hồi carbon, thỏa thuận này là khoản đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực năng lượng của Libya trong hơn hai thập kỷ.
Italy và Libya ký thỏa thuận phát triển khí đốt trị giá 8 tỷ USD ảnh 1Nhà máy khí đốt của tập đoàn năng lượng Eni ở Marina di Ravenna (Italy). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/1, Italy đã ký một thỏa thuận khí đốt trị giá 8 tỷ USD với Libya trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Giorgia Meloni tới quốc gia Bắc Phi này.

Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia của Libya và Tập đoàn Eni của Italy cho biết sẽ đầu tư 8 tỷ USD vào phát triển khí đốt, cũng như năng lượng mặt trời và thu hồi carbon. Thỏa thuận về khí đốt tự nhiên này là khoản đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực năng lượng của Libya trong hơn hai thập kỷ.

Theo tập đoàn Eni, dự án liên quan đến việc phát triển hai mỏ khí đốt ngoài khơi. Hoạt động khai thác khí đốt tại hai mỏ này dự kiến bắt đầu từ năm 2026 và đạt tổng sản lượng hơn 21 triệu m3/ngày.

Dự án cũng bao gồm việc xây dựng một cơ sở thu hồi và lưu trữ carbon tại khu Mellitah, cách thủ đô Tripoli 80km về phía Tây, giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon.

[Libya và Italy đạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí]

Thỏa thuận được ký kết trước sự chứng kiến của Thủ tướng Italy Meloni và Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya, ông Abdul Hamid Dbeibah. Ngoài năng lượng, hai bên cũng thảo luận việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, kiểm soát biên giới và chống nạn di cư trái phép.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo châu Âu đến Libya kể từ chuyến thăm của cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi vào tháng 4/2021.

Đầu tuần này, Thủ tướng Meloni cũng đã thăm Algeria, nhà cung cấp khí đốt chính của Italy. Tại đây, Tập đoàn Eni và Công ty năng lượng nhà nước Sonatrach của Algeria đã ký một thỏa thuận hợp tác mới nhằm củng cố an ninh năng lượng và thúc đẩy nỗ lực cắt giảm khí thải carbon.

Năm 2022, Algeria đã trở thành một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Italy sau khi nước này thay thế Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Rome./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục