Italy yêu cầu các tổ chức nhân đạo ký "Bộ quy tắc ứng xử" trên biển

Chính phủ Italy cảnh báo nếu các tổ chức nhân đạo không ký vào "bộ quy tắc ứng xử," họ sẽ bị cấm đưa tàu vào cảng biển nước này để cứu người di cư tại Địa Trung Hải.
Italy yêu cầu các tổ chức nhân đạo ký "Bộ quy tắc ứng xử" trên biển ảnh 1Người di cư trên xuồng cứu hộ của Cơ quan Chữ thập Đỏ Italy trên Địa Trung Hải. (Nguồn: AP/TTXVN)

Tại một cuộc họp với các tổ chức phi chính phủ (NGO) ngày 25/7, Chính phủ Italy cảnh báo nếu các tổ chức nhân đạo không ký vào "bộ quy tắc ứng xử," họ sẽ bị cấm đưa tàu vào các cảng biển của Italy để tiến hành các hoạt động cứu người di cư tại Địa Trung Hải.

Italy lo ngại các tàu cứu hộ của các tổ chức nhân đạo có thể tạo điều kiện cho bọn buôn người hoạt động dễ dàng và vô hình chung sẽ khuyến khích người di cư tới châu Âu.

Một tòa án của Italy cũng cho rằng họ có thể câu kết với bọn buôn người tại Libya. Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo lo ngại rằng đề nghị của Rome sẽ hạn chế khả năng cứu người di cư gặp nạn trên biển.

Cũng tại cuọc họp, nhiều thành viên trong 9 tổ chức NGO đang hoạt động trên biển Địa Trung Hải bày tỏ mong muốn sửa đổi văn kiện trên.

[Italy giải cứu hơn 1.400 người di cư trên biển Địa Trung Hải]

Một trong các điểm gây tranh cãi nhất là điều khoản yêu cầu các NGO cho phép cảnh sát lên tàu để truy lùng bọn buôn người ẩn náu trong số người nhập cư.

Một điều khoản khác cấm các tàu cứu hộ này chuyển người sang các tàu khác, biện pháp nhằm giảm số lượng các tàu cứu hộ nhỏ thường chuyển người di cư sang tàu lớn hơn để đến Italy.

Theo ông Vassallo Paleologo, một chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Palermo, đòi hỏi này có thể vi phạm luật hàng hải quốc tế. Chuyên gia này cho rằng bộ quy tắc ứng xử mà Chính phủ Italy đưa ra "không nhằm cứu nhiều người hơn mà hạn chế số người có thể được các tổ chức phi chính phủ cứu sống. Rất tiếc là việc này có thể làm tăng số nạn nhân."

Phát biểu tại cuộc họp trên, bà Sandra Mammamy, một điều phối viên của Sea-Watch, cho biết các NGO hiểu rằng Italy rất cần sự hỗ trợ của các nước châu Âu. Tuy nhiên, bà cho rằng bộ quy tắc ứng xử trên "là ý định đổ lỗi lên đầu ai đó cho các vấn đề của Italy."

Đáp lại, đại diện Bộ Nội vụ Italy cho rằng cáo buộc của các tổ chức NGO đối với Chính phủ Italy, cho thấy các tổ chức này chỉ là "đạo đức giả."

Dự kiến sẽ có một cuộc gặp khác vào ngày 28/7 tới tại Bộ Nội vụ Italy, trong đó các NGO sẽ đưa ra những thay đổi cụ thể mà họ mong muốn.

Các lực lượng bảo vệ bờ biển của Italy hiện điều phối mọi các hoạt động cứu hộ ở bờ biển Libya, đất nước vốn đang chìm trong nội chiến từ nhiều năm nay.

Khoảng 100.000 người đã được đưa tới Italy trong năm nay, thêm vào nửa triệu người đang tị nạn ở đây trong 3 năm qua.

Theo số liệu thống kê, 2.200 người di cư đã bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải từ đầu năm tới nay, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai và các bà mẹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục