Juergen Klopp mang “trường phái Anh” trở lại bóng đá đỉnh cao?

Klopp chưa bao giờ giấu diếm lối chơi “Kick and Rush” của người Anh có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ông theo cách như thế nào.
Juergen Klopp mang “trường phái Anh” trở lại bóng đá đỉnh cao? ảnh 1Juergen Klopp mang tới nhiều thay đổi tích cực cho Liverpool. (Nguồn: Getty)

Với tư cách là quê hương của bóng đá, người Anh sở hữu nhiều di sản cho môn thể thao vua, một trong số đó là lối đá vẫn thường được mô tả với cái tên nổi tiếng “Kick & Rush” (chạy và sút). Sau quãng thời gian bị mai một, dường như hình bóng đó đang được trở lại.

Người Brazil có Joga Bonito, người Italy có Catenaccio, người Hà Lan có Total Football đó đều là những trường phái kinh điển của bóng đá. Brazil vô địch World Cup 4/5 lần với Joga Bonito (lần duy nhất không phải là World Cup 1994), Italy đạt toàn bộ thành công cả cấp câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia đều với hình bóng Catenaccio, trong khi "Total Football" (bóng đá tổng lực) của Hà Lan là trường phái ảnh hưởng lớn nhất tới bóng đá hiện tại với những môn đệ tiêu biểu là đội tuyển Tây Ban Nha, tiki-taka, Pep Guardiola, Barca hay Bayern Munich.

Vậy “Kick and rush” đứng ở đâu trong dòng chảy lịch sử khi đội tuyển Anh cũng đã từng một lần lên ngôi vô địch World Cup (năm 1966) với trường phái này?

Thực chất, “Kick and rush” được hiểu theo nghĩa tiêu cực vào thời điểm hiện tại nhiều hơn nghĩa tích cực. Lối đá dựa nhiều vào thể lực này của người Anh bị lên án như là nguyên nhân chính khiến "Tam Sư" tụt lại sâu so với phần còn lại của thế giới. Ở hai kỳ đại hội bóng đá lớn mà ​đội tuyển Anh đi sâu nhất trong gần 30 năm qua là World Cup 1990 và Euro 1996 (đều vào bán kết), con át chủ bài của người Anh khi đó là Paul Gascoigne, mẫu cầu thủ không theo quy chuẩn “Kick and Rush."

Còn lại, người Anh tụt lùi hoàn toàn với những lần bị loại từ vòng loại, vòng bảng (World Cup 1994, Euro 2000, 2008), hay khá nhất cũng chỉ là lọt vào tứ kết (World Cup 1998, 2006, 2010; Euro 2004, 2012).

Không nhiều người để ý rằng, người Anh với lối đá “Kick & rush” huyền thoại của mình đã từng thống trị ​châu Âu ở cấp câu lạc bộ vào thập niên 70 và nửa đầu thập niên 80. Đỉnh cao trong giai đoạn này là 6 năm từ 1977-1982, Liverpool, Nottingham Forest và Aston Villa đã giữ cúp C1 ​châu Âu chỉ ở lại nước Anh.

Tại cúp UEFA, Liverpool, Tottenham, Ipswich Town cũng vô địch vào các năm 1972, 1973, 1976, 1981. Tại cúp C2 ​châu Â​u, Everton cũng mang về một chức vô địch vào năm 1985. Tất cả đều đến từ trường phái “Kick and Rush”, nơi các cầu thủ sẽ chạy khắp trận, xô ngã những đối thủ và chiến thắng bằng sức mạnh thể lực.

Sự thống trị này của bóng đá Anh bị chấm dứt sau thảm họa Heysel vào năm 1985. 39 người chết cùng hơn 600 người bị thương đã kéo theo án phạt cấm các câu lạc bộ Anh tham dự cúp châu Âu trong 5 năm. Chính án phạt này đã khiến các câu lạc bộ Anh đi xuống so với mặt bằng chung bóng đá lục địa già lúc đó. Khi người Anh quay trở lại, họ lập tức nhận phải những trận thua vỡ mặt khi nhờ độ vênh trình độ phần còn lại của ​châu Âu.

Quay trở lại thực tại, sau thời gian dài đa dạng hóa phong cách chơi với những người ngoài biên giới Vương quốc Anh (và đạt được những thành công vang dội), người Anh một lần nữa được chứng kiến lối đá huyền thoại của mình quay trở lại với đại diện tiêu biểu là Liverpool của Juergen Klopp.

Trận hòa 1-1 với Tottenham Hotspurs và Borussia Dortmund đã cho người Anh thấy thứ bóng đá của mình vẫn còn hấp dẫn tới mức nào. Lối đá áp sát, sử dụng sức mạnh, tốc độ để hạ gục đối thủ theo cả nghĩa đen lẫn bóng không khỏi làm những cổ động viên Xứ sở Sương mù liên tưởng trực tiếp về trường phái huyền thoại của mình.

Đó là một phần “Gegenpressing”, điều từng khiến những người Anh phát điên lên để tìm hiểu khi Klopp tới nhậm chức tại sân Anfield. Klopp chưa bao giờ giấu diếm lối chơi “Kick and Rush” của người Anh có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ông theo cách như thế nào. Chất lượng của những trận đấu vẫn có thể được duy trì ở tần suất cực cao, đó là điều Klopp đang hướng tới.

Liverpool của Klopp có thể chưa ngay lập tức thành công tại Premier League vào thời điểm hiện tại, song bản lĩnh của đội chủ sân Anfield ở sân chơi châu lục vẫn được duy trì nhờ lối đá từng đưa chính Liverpool trở thành đội bóng Anh thành công nhất trong lịch sử các cúp ​châu Âu. Đó là điểm tích cực của cá nhân Klopp và Liverpool.

Trên bình diện tập thể, người Anh hiện tại còn có thể tự hào thêm về Tottenham Hotspurs, đội bóng của Mauricio Pocchetino cũng đã trình diễn lối đá pressing với hơi hướng “Kick and Rush” đầy thuyết phục trong thành tích đứng thứ hai tại Premier League tới lúc này. Trường phái kinh điển “Kick and Rush” đang trở lại đỉnh cao tại ​Xứ sở Sương mù sau thời gian dài bị mai một, đó hoàn toàn là sự thật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục