K+ “không quan tâm” tới giải bóng đá Euro 2012

Tiếp tục độc chiếm giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ Nhật ở mùa giải tới, song truyền hình K+ sẽ "không quan tâm" đến Euro 2012, World Cup.
Trao đổi xung quanh vấn đề bản quyền bóng đá, ông Manuel Rougeron, Giám đốc Điều hành Công ty truyền hình số vệ tinh Việt Nam VSTV (sở hữu thương hiệu K+) ngày 31/5 cho hay, K+ sẽ “không quan tâm” đến giải bóng đá Euro 2012, World Cup...

Theo vị lãnh đạo của K+, Euro 2012, World Cup, Olympic... là những giải bóng đá quan trọng, được người dân hết sức quan tâm. Bởi thế, hệ thống truyền hình quảng bá sẽ có nhiệm vụ phát sóng những giải đấu này.

Tuy nhiên, phía VSTV cũng cho biết, trong số 3 gói kênh của K+ có phát sóng một số kênh, chương trình của Đài truyền hình Việt Nam. Do đó, có thể các thuê bao của VSTV sẽ được xem các giải bóng đá lớn trên tại K+, song không phải do đơn vị này mua bản quyền.

Năm vừa qua, K+ cũng đã tạo dư luận khi “độc chiếm” giải bóng đá Ngoại hạng Anh ngày Chủ Nhật (Super Sunday). Trả lời về việc ở mùa giải 2011-2012, K+ còn tiếp tục “độc quyền” không, ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc VSTV khẳng định “không có gì thay đổi.”

Theo ông Liết, việc K+ được độc quyền phát sóng các trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh ngày Chủ Nhật đã được ghi trong hợp đồng, và K+ sẽ thực hiện đúng theo những gì đã thỏa thuận.

Song, ông cũng hy vọng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ có những định hướng giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ngồi lại với nhau để có thể cùng hợp sức mua hoặc chia sẻ bản quyền truyền hình, phục vụ khán giả.

Trong khi đó, liên quan đến chuyện bản quyền phát sóng Euro 2012, hiện Sport Five (S5), đơn vị được UEFA ủy thác quyền khai thác bản quyền Euro 2012 tại khu vực châu Á, đang chào bán bản quyền của giải đấu này cho các nhà đài ở Việt Nam với giá 5 triệu USD. Đây là một mức giá quá cao và các nhà đài đã thỏa thuận để VTV đứng ra thương thảo, sau đó chia lại cho các đài.

Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất cuộc đàm phán vẫn chưa đi đến kết cục bởi S5 vẫn chưa có ý định hạ giá. Đây có lẽ cũng là hệ quả của việc các đơn vị truyền hình ở Việt Nam tranh giành bản quyền các giải đấu lớn trong quá khứ, dẫn đến việc bản quyền truyền hình bóng đá hiện bị đội giá lên rất cao, mà rốt cục chỉ có người hâm mộ là chịu thiệt./.

Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục