Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Dân sự sửa đổi

Nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bao gồm quy định chung; quyền sở hữu và các vật quyền khác; nghĩa vụ và hợp đồng; pháp luật áp dụng với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài...
Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Dân sự sửa đổi ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 01/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Quyết định nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải bám sát nội dung Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 và đây cũng phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong quý 1/2015.

Nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bao gồm quy định chung; quyền sở hữu và các vật quyền khác; nghĩa vụ và hợp đồng; thừa kế; pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; điều khoản thi hành; kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật Dân sự.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến về các nội dung trên, đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của bộ, ngành mình và những vấn đề mà bộ, ngành quan tâm.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đăng toàn văn trên Báo Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Việc lấy ý kiến được thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5/1/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015.

Quyết định cũng nêu rõ, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch này và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho báo cáo viên pháp luật Trung ương và cấp tỉnh.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai nội dung lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Kế hoạch này.

Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức phải dựa trên Đề cương báo cáo theo Phụ lục II của Kế hoạch này và gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15/4/2015.

Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trước ngày 25/4/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục