Kế hoạch thu phí xe đăng ký ngoài nước tại Đức bị chỉ trích

Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Alexander Graf Lambsdorff cho rằng kế hoạch thu phí xe đăng ký ngoài nước của Đức là sai lầm, mang tính kỳ thị người nước ngoài và vi phạm luật pháp châu Âu.
Kế hoạch thu phí xe đăng ký ngoài nước tại Đức bị chỉ trích ảnh 1Một con đường cao tốc ở Đức. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 17/12, Nội các Đức đã thông qua hai dự luật quan trọng liên quan tới kế hoạch gây tranh cãi về thu phí xe hơi của người nước ngoài tới Đức (Pkw-Maut).

Hai dự luật do liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Đức Angela Merkel đệ trình gồm dự luật áp đặt thuế khi lái xe trên đường quốc lộ, đường cao tốc và dự luật thứ hai về cải cách thuế xe.

Kế hoạch thu phí đường quốc lộ và cao tốc dự kiến được áp dụng từ đầu năm 2016, theo đó các xe đăng ký ở Đức sẽ phải trả thêm thuế quốc lộ và cao tốc, trong khi xe nước ngoài tới Đức chỉ phải trả phí trên đường cao tốc.

Tuy nhiên, với cải cách thuế xe nêu trên, người Đức sở hữu xe sẽ được giảm thuế hàng năm để bù vào tiền lộ phí.

Với kế hoạch trên, người nước ngoài lái xe vào Đức khi đi trên đường cao tốc sẽ phải mua tem điện tử theo biển số xe và sẽ được kiểm soát theo biển số mà không cần phải dán tem vào kính xe như ở một số nước.

Các loại vé được phân thành các mức gồm 10 ngày (10 euro), hai tháng (22 euro) hoặc một năm và mức vé năm phụ thuộc vào dung tích xe, loại nhiên liệu, lượng khí thải..., song không vượt quá 130 euro/năm.

Tem điện tử có thể dễ dàng mua trên Internet hay tại các trạm xăng dầu gần khu vực biên giới.

Từ năm 2015, Đức sẽ xây dựng khoảng 470 trạm kiểm soát cố định và các máy kiểm soát di động để nhận biết, kiểm tra biển số xe. Những xe bị phát hiện không mua tem sẽ bị phạt lần đầu 150 euro, tái phạm có thể lên tới tới 240 euro.

Chính phủ Đức dự kiến sau khi áp dụng thu phí từ đầu năm 2016 sẽ mang lại cho nước này khoảng 700 triệu euro/năm, trong đó ngoài chi phí vận hành và quản lý, một khoản 500 triệu euro sẽ được tái đầu tư vào mạng lưới giao thông, đường sá.

Tuy nhiên, ngay từ khi ý tưởng thu phí được đưa ra đã bị phản đối gay gắt, đặc biệt từ các quốc gia láng giềng như Áo và Hà Lan.

Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Alexander Graf Lambsdorff ngày 17/12 cho rằng kế hoạch này là sai lầm, mang tính kỳ thị người nước ngoài và vi phạm luật pháp châu Âu.

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách giao thông, bà Violeta Bulc, trước đó cũng đã gửi thư cho Bộ trưởng Giao thông Đức để phản đối.

Trong khi đó, theo Câu lạc bộ ôtô Đức ADAC, kế hoạch thu phí nêu trên chỉ có thể mang về khoảng 262 triệu euro/năm, song chi phí bỏ ra sẽ lớn hơn rất nhiều.

Kế hoạch áp thuế Pkw-Maut từ lâu đã gây tranh cãi ở Đức, mặc dù đây là một phần trong thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh giữa liên đảng trung hữu CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục