KEPCO xem xét tham gia dự án Rajin-Khasan với Nga, Triều Tiên

5 đơn vị của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc KEPCO đang xem xét việc tham gia dự án hậu cần Rajin-Khasan mới ra đời trong một nỗ lực để giảm chi phí nhập khẩu than từ Nga qua Triều Tiên.
KEPCO xem xét tham gia dự án Rajin-Khasan với Nga, Triều Tiên ảnh 1Chuyến tàu từ thị trấn biên giới Khasan của Nga tới cảng Rajin. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) vừa cho biết 5 đơn vị của tập đoàn điện lực khổng lồ này đang xem xét việc tham gia dự án hậu cần Rajin-Khasan mới ra đời trong một nỗ lực để giảm chi phí nhập khẩu than từ Nga qua Triều Tiên.

 

Dự án Rajin-Khasan, đã thử nghiệm, được coi như điểm khởi đầu cho hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên và Nga.

Theo dự án, Hàn Quốc nhập khẩu than của Nga chuyển qua cảng Rajin của Triều Tiên để chuyên chở đến cảng Pohang của Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 374km về phía Đông Nam .

Một quan chức của KEPCO cho biết 5 đơn vị của KEPCO, do Korea Midland Power Corp. đứng đầu, đang xem xét tính khả thi kinh tế của dự án song chưa rõ hãng có tham gia dự án hay không vì vẫn chưa có quyết định cụ thể.

Trong khi đó, các nguồn tin trong ngành công nghiệp cho biết tháng trước, một nhóm các quan chức từ 5 đơn vị, cùng với các quan chức chính phủ, đã đến thăm cảng Rajin của Triều Tiên để đánh giá khả năng nhập khẩu than của Nga.

Nhà sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc POSCO, hãng tàu thương mại Hyundai Merchant Marine Co. và Tập đoàn đường sắt Korea Railroad đã tham gia dự án trên.

Trong hoạt động thử nghiệm mang tính bước ngoặt, một tàu biển Trung Quốc đã vận chuyển 40.500 tấn than của Nga đến Hàn Quốc trên hồi đầu tháng này từ cảng Rajin. Than được vận chuyển từ thị trấn Khasan của Nga đến Rajin trên tuyến đường sắt dài 54km vừa được tái kết nối hồi năm ngoái.

POSCO và các đơn vị của KEPCO đang kỳ vọng giảm chi phí hậu cần nhập khẩu than của Nga tới 15% nếu họ tham gia dự án Rajin-Khasan.

Triều Tiên nắm giữ 30% cổ phần trong dự án Rajin-Khasan và phần còn lại thuộc sở hữu của Nga.

Các công ty Hàn Quốc đã mua cổ phần ở RasonKonTrans, công ty liên doanh quản lý tuyến đường sắt.

Việc đầu tư gián tiếp cho phép các công ty Hàn Quốc tránh lệnh cấm hoạt động kinh doanh với Triều Tiên đã được đưa ra kể từ năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục