Kết nối các Thương vụ với tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

Việc thúc đẩy các hoạt động kết nối chính quyền địa phương thuộc khu vực phía Nam với các Thương vụ nhằm tạo đầu mối cho hoạt động xuất nhập khẩu, giải quyết những khó khăn kinh doanh, đầu tư.
Kết nối các Thương vụ với tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Mỹ Phương/Vietnam+)

Ngày 22/2, tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2016, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết các tỉnh, thành phố phía Nam giữ vai trò trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước. Do đó, thúc đẩy các hoạt động kết nối chính quyền địa phương thuộc khu vực phía Nam với các Thương vụ là rất cần thiết, nhằm tạo đầu mối cho hoạt động xuất nhập khẩu, giải quyết những khó khăn kinh doanh, đầu tư...

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Hội nghị Tham tán Thương mại 2016, với chủ đề "Đổi mới phương thức hoạt động Thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế" được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này, là cầu nối hiệu quả đối với các Thương vụ với chính quyền địa phương. Đồng thời, là sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi, để có cơ hội tiếp xúc, trao đổi và đề xuất các kiến nghị, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo các doanh nghiệp khu vực phía Nam, trên địa bàn có lực lượng doanh nghiệp rất đông, sáng tạo, nhưng đa số quy mô vừa và nhỏ nên khả năng tiếp cận thị trường, năng lực cạnh tranh còn chưa cao.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật trong các cam kết thương mại quốc tế còn khá xa lạ với tập quán hoạt động của doanh nghiệp địa phương, đã tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đơn cử, doanh nghiệp chưa quen với phương thức xây dựng kế hoạch phát triển mang tính dài hạn để tự đánh giá về khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ, chuẩn bị đội ngũ lao động có đủ năng lực đáp ứng sự phát triển trong xu thế thị trường thương mại tự do.

Riêng về những khó khăn tại thị trường xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, cho biết hiện nay, ngành hồ tiêu xuất khẩu đi các thị trường thuộc khu vực châu Âu vẫn gặp nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã có đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có giải pháp kiểm soát, tuy nhiên các Thương vụ nên có hỗ trợ thông tin về những quy định, tiêu chuẩn cụ thể của các thị trường xuất khẩu.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh doanh nghiệp không hội nhập thì nền kinh tế cũng không thể hội nhập, do đó các Thương vụ cần quan tâm, hỗ trợ giải pháp và hướng dẫn một cách cụ thể cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược phát triển cũng như triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với những cam kết thương mại quốc tế.

Ngoài ra, các chính quyền địa phương rất kỳ vọng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, cung cấp thông tin cơ chế chính sách, thị trường, kết nối doanh nghiệp ở các nước có Thương vụ của Việt Nam.

Năm 2015, cả nước có 23 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt cơ cấu hàng xuất khẩu đang trong xu hướng chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 79%; nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 12,7%; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ còn 3%. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đánh giá về hoạt động của các Thương vụ, đại diện Bộ Công Thương cho biết các Thương vụ Việt Nam với vai trò là cầu nối thúc đẩy giao thương đã thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch được giao; chủ động nắm bắt thị trường nước sở tại và thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp; trong đó, các Thương vụ cũng chú trọng nghiên cứu nhu cầu của thị trường đối với hàng hóa Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như giày dép, dệt may, gạo, nông, lâm thủy sản...

Nhiều Thương vụ tích cực giúp doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và ký kết hợp đồng; xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; giải quyết các tranh chấp thương mại; tư vấn pháp lý giúp doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới diễn ra sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, khối lượng công việc của các Thương vụ sẽ ngày càng tăng.

Trước những đòi hỏi đặt ra của tình hình mới, trong điều kiện hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, Thương vụ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan trong nước nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Song song đó, nỗ lực hơn nữa để đảm nhiệm tốt trọng trách của mình tại thị trường phụ trách; tích cực mở rộng thị trường, tận dụng tốt những thời cơ, tháo gỡ rào cản thương mại, hạn chế các vụ kiện chống bán phá giá; chủ động đề xuất từng chiến lược cho thị trường mình phụ trách...

Trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại 2016, ngoài phiên toàn thể, Bộ Công Thương còn tổ chức các phiên đối thoại, tiếp xúc giữa các Thương vụ với chính quyền địa phương và doanh nghiệp. khu vực phía Nam.

Các phiên đối thoại tập trung vào những nội dung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hội nhập kinh tế, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư tại các khu vực thị trường châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, châu Phi, Tây Á và Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục