Kết nối phát triển hệ thống cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long

Nếu tuyến container quốc tế Phnom Penh-Cái Cui-Cái Mép hoặc Singapore được khai thác sẽ góp phần liên kết, hợp tác khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển đầu mối sẽ thuận lợi.
Kết nối phát triển hệ thống cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Cảng Quốc tế Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Mạnh Dương/TTXVN)

Theo ông Phan Thành Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Cần Thơ, các cảng biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chưa phát triển mạnh.

Tình trạng trên diễn ra một phần vì hạ tầng kết nối với cảng còn hạn chế; một phần vì chưa có đơn vị đầu mối thực hiện chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp để thu hút, kết nối, điều phối luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng container trong vùng.

Trong nhóm cảng biển số 6, cảng biển Cần Thơ được quy hoạch lớn nhất, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại một của vùng. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển lên đến 20.000DWT và không bị ảnh hưởng bởi giới hạn tĩnh thông cầu.

Phương án cảng Cần Thơ kết nối các tuyến container quốc tế hết sức thuận lợi. Cụ thể, tuyến container quốc tế Phnom Penh-Cái Cui-Cái Mép hoặc Singapore được khai thác sẽ góp phần liên kết, hợp tác khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển đầu mối sẽ thuận lợi thông qua tuyến vận tải container quốc tế trên sông Mekong; sử dụng sà lan container lớn lấy hàng tại các cảng theo tuyến từ cảng PhnomPenh rồi theo sông Mekong qua luồng sông Hậu đến cảng Cái Cui, tiếp tục di chuyển qua cửa Định An đến cụm cảng Cái Mép-Vũng Tàu từ đó chuyển lên tàu mẹ và ngược lại. Hoặc tập kết container từ Campuchia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại cảng Cái Cui-Cần Thơ rồi chuyển tải sang tàu đi trực tiếp đến các cảng tại eo biển Malacca và ngược lại.

Nếu tuyến container này đi vào hoạt động, hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung về hệ thống các trung tâm hàng hóa vệ tinh là các cảng biển trong vùng, để vận chuyển về cảng đầu mối - cảng Cần Thơ, sau đó chuyển tải đến các cảng trung chuyển quốc tế của khu vực, thay cho việc chuyển tải lên Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Cách làm này sẽ giảm đáng kể chi phí vận tải hàng hóa trong chuỗi logistics xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, do sử dụng được phương tiện vận chuyển lớn, giá thành rẻ hơn và giảm thời gian chờ đợi lấy hàng tại các cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 32 cầu bến cảng biển dài gần 2.900m, quy mô xây dựng tiếp nhận được tàu trọng tải 20.000DWT, với năng lực thông qua luồng tàu 22 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, sự yếu kém của hạ tầng cảng biển cũng như hệ thống cảng biển trong khu vực chưa kết nối được với nhau, dẫn đến các doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Cái Mép Vũng Tàu. Điều này đẩy giá thành sản phẩm lên cao, do chi phí vận tải chuyển tải hàng hóa cao, ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục