Kết quả đánh giá học sinh Việt là khách quan

Kết quả đánh giá của PISA về học sinh Việt là "khách quan"

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Việt Nam đã tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA để biết năng lực của học sinh mình.

Nghị quyết Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo vừa được ban hành, trong đó xác định Đổi mới công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá là giải pháp đột phá.

Làm thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh và chất lượng giáo dục Việt Nam? Điều quan trọng là việc đánh giá chất lượng học sinh phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực và được quốc tế thừa nhận.

Để thông tin thêm về việc này, nhân dịp lần đầu tiên Việt Nam tham gia đánh giá chất lượng học sinh phổ thông quốc tế (PISA) và được xếp thứ hạng cao, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển.

- Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết ý nghĩa của việc tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế PISA công bố xếp hạng năng lực học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao trên thế giới vừa qua?

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việt Nam đã bước vào hội nhập quốc tế nên cũng cần phải biết năng lực học sinh của mình có thể tham gia vào quá trình hội nhập được không khi các em sẽ trở thành những người lao động trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay.

Việt Nam cần phải biết học sinh Việt Nam có năng lực như thế nào để biết rõ điểm yếu kém sẽ bồi dưỡng, khắc phục, tìm cách vượt qua để trình độ học sinh của Việt Nam cũng phải tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy Việt Nam đã tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA.

Trên thế giới có nhiều chương trình đánh giá học sinh nhưng PISA là chương trình hiện đại, đảm bảo tính khách quan, trung thực hơn cả và được thiết kế bởi Hiệp hội các nước phát triển OECD nên tính khách quan, đúng đắn đảm bảo tốt hơn là lý do để Việt Nam tham gia chương trình này.

- Việt Nam có điểm xuất phát về kinh tế thấp mà kết quả xếp hạng của học sinh lại cao như vậy, điều này có khách quan không thưa ông?

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả này rất khách quan vì về mặt kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn theo PISA, từ việc chọn mẫu học sinh, chọn nhà trường tham gia chương trình rồi việc thiết kế đề thi, chấm thi cũng đảm bảo tuân thủ chặt chẽ.

Kỹ thuật của PISA theo một quy trình chặt chẽ và khách quan. Người ta có thể không ngồi với mình nhưng qua cách thiết kế, cách làm, họ vẫn phát hiện ngay nếu có hành vi vi phạm, khi đó tự nhiên logic của quá trình đánh giá sẽ bị thay đổi và kết quả sẽ bị hủy ngay lập tức.

Tuy thế, khi Việt Nam đạt được kết quả cao, người ta cũng bất ngờ và cử chuyên gia sang thẩm định, kiểm tra lại. Những gì thấy nghi ngờ PISA yêu cầu mình giải trình, mình phải nói được đúng lý do thỏa đáng mới được chấp nhận. Vì vậy trong 3 tháng vừa rồi mình phải giải trình nhiều và họ cũng có người sang thẩm tra lại. Trong quá trình làm cũng có người nước ngoài đến hoặc người Việt Nam được thuê giám sát quá trình hoạt động. Vì thế đây là kết quả hoàn toàn khách quan.

- Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn kết quả đánh giá chất lượng học sinh Việt Nam theo PISA?

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: So với 65 nước được công bố kết quả thì năng lực Khoa học của học sinh Việt Nam xếp thứ 8, năng lực Toán học thứ 17, năng lực Đọc hiểu thứ 19. Như vậy có nghĩa là những năng lực được đánh giá lần này, học sinh Việt Nam đều đứng ở tốp 20 nước có kết quả cao nhất.

- Thưa Thứ trưởng, học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế thì chúng ta đã nghe nói nhiều năm. Vậy, ông có thể cho biết những điểm mới, sự khác biệt trong việc học sinh Việt Nam được PISA cũng xếp hạng cao trên thế giới lần này?

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển

: Thế giới đã biết đến Việt Nam với những đoàn học sinh đi thi học sinh giỏi Olympic quốc tế, Olympic châu Á. Hai năm vừa qua, tất cả học sinh Việt Nam đi thi Olympic đều đạt được huy chương. Đấy là học sinh có thành tích cao và được chính nước mình lựa chọn, cử đi. Điều này cho thấy chất lượng giáo dục mũi nhọn của Việt Nam.

Còn với kỳ kiểm tra lần này, từ việc chọn trường và chọn học sinh đều do PISA đảm nhận trên cơ sở Việt Nam cung cấp toàn bộ tư liệu của học sinh, các trường ở các tỉnh.

Các chuyên gia quốc tế đã chọn ngẫu nhiên theo đại diện cho vùng, miền, dân tộc cho các loại hình trường công lập, ngoài công lập, bổ túc văn hóa, phổ thông, dạy nghề. Lần đánh giá này, PISA không yêu cầu học sinh làm những bài khó mà yêu cầu kiểm tra theo chuẩn kiến thức chung của các nước phát triển OECD. Học sinh có thể không làm những bài giống nhau.

Trong một phòng (35 em) chỉ có 2-3 em có đề giống nhau. Đề kiểm tra khác nhau để đảm bảo những nội dung kiểm tra bao quát được yêu cầu năng lực khi mà cộng tất cả lại. Học sinh làm đề khác nhau nhưng tính chung lại thì năng lực được đánh giá đầy đủ. Vì vậy kết quả đánh giá lần này cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông đại trà của Việt Nam.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng học sinh Việt Nam chỉ giỏi giải các bài toán và trả lời các câu hỏi có sẵn trong khi thực thế cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân muốn thành công thì tự phải vạch ra đề bài, xác định câu hỏi rồi tìm con đường để đi đến đáp án, Ông có bình luận như thế nào về nhận định này?

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong đề thi của PISA, người ta cũng có yêu cầu học sinh phải tự nhận ra những vấn đề, tìm cách giải quyết vấn đề. Việt Nam mình khi ra đề theo truyền thống thường cho đầy đủ các dữ kiện và nếu học sinh không sử dụng đủ dữ kiện thì không giải được. Nhưng với PISA, có khi họ cho thừa có khi lại thiếu dữ kiện. Thừa thì anh phải chọn ra những cái cần thiết, thiếu thì anh phải tìm trong thực tế, tính thực tế để giải quyết vấn đề. Như vậy chất lượng PISA cũng có ý nghĩa phát hiện được năng lực phát hiện vấn đề của học sinh.

Tuy nhiên, nhìn chung, chúng tôi vẫn đánh giá năng lực phát hiện vấn đề của học sinh Việt Nam cũng chưa phải là giỏi. Những năng lực khác như năng lực giao tiếp, cộng tác, sáng tạo, năng lực xã hội hay còn gọi là kỹ năng mềm thì học sinh mình vẫn còn yếu.

PISA đánh giá những năng lực về Toán học, Đọc hiểu, Khoa học, còn những năng lực khác chưa đánh giá nên chúng ta cũng phải nhìn nhận học sinh mình giỏi về những năng lực được PISA đánh giá nhưng chưa phải giỏi một cách toàn diện. Vì vậy chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, Việt Nam cần khắc phục những điểm yếu này, tập trung vào nâng cao những năng lực chung, năng lực xã hội, năng lực mềm cho học sinh.

- Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về những thay đổi trong việc kiểm định, đánh giá chất lượng học sinh trong thời gian tới?

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Theo Nghị quyết Trung ương 8 lần này, đổi mới kiểm tra đánh giá là một trong những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là giải pháp đột phá.

Thứ nhất, theo chương trình cũ, mình đánh giá kết quả học tập của học sinh, bây giờ mình không chỉ đánh giá kết quả học tập mà phải đánh giá cả quá trình học tập, trong quá trình đó phát hiện xem học sinh có những gì khó khăn, có gì tốt. Tốt thì động viên, khuyến khích; khó khăn thì hướng, giúp các em vượt qua.

Thứ 2, đối với đánh giá kết quả thì không chỉ là kết quả các em đã học được gì mà quan trọng là kết quả vận dụng được kiến thức vào trong cuộc sống và giải quyết được những vấn đề trong học tập, trong cuộc sống như thế nào.

Việt Nam hiện thực hiện đánh giá chất lượng từng học sinh, từng người học nhưng thế giới đánh giá chất lượng học sinh, chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng quốc gia không phải chỉ dựa vào từng học sinh. Như việc các em có thể làm những đề khác nhau nhưng tổng hợp lại sẽ được một kết quả chung của một địa phương, một đất nước-đây gọi là đánh giá trên diện rộng. Thông qua PISA, Việt Nam học được phương pháp này.

Một điểm nữa rất quan trọng là làm thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh thì cách viết câu hỏi, sắp xếp thành đề thi, thiết kế đề như thế nào mình cũng học được qua việc tham gia PISA lần này.

- Thứ trưởng có thể cho biết chủ trương áp dụng PISA trong đánh giá học sinh thời gian tới sẽ như thế nào?

Thứ Trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trong thời gian vừa qua Việt Nam cũng đã tiến hành một số hoạt động đánh giá học sinh trên diện rộng dạng như PISA. Ví dụ đã đánh giá học sinh lớp 5 năm 2001, 2007, 2011 và cũng đã bắt đầu đánh giá diện rộng với học sinh lớp 9, lớp 11; tuy nhiên năng lực của chúng ta để thiết kế những đề thi tốt, tổ chức những đợt khảo sát hiệu quả hơn còn phải học tập nhiều.

Sắp tới việc này sẽ được triển khai rộng hơn và sẽ đổi mới theo hướng đánh giá chất lượng giáo dục không phải chỉ là đánh giá chất lượng của người học, của cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo như thế nào. Như vậy nghĩa là việc đánh giá chất lượng giáo dục không phải chỉ có thi, kiểm tra mà còn có kiểm định; không phải chỉ có kiểm định chất lượng giáo dục cá nhân mà còn có tập thể, địa phương; không phải chỉ có đánh giá kết quả mà còn đánh giá quá trình và nhấn mạnh hơn đến đánh giá năng lực của người học và thông qua đánh giá giúp cho việc dạy, học hiệu quả hơn.

Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích kỹ báo cáo kết quả đánh giá PISA. Vì trong đó không phải chỉ có chỉ số về chất lượng học tập của học sinh mà còn chỉ ra mối liên hệ giữa những yếu tố tác động đến chất lượng; sẽ phân tích xem yếu tố nào là yếu tố thuận lợi, đang tác động tốt để tiếp tục phát huy; những yếu tố nào đang cản trở chất lượng thì phải có những chính sách vượt qua, nghĩa là có những giải pháp về chính sách, đầu tư cho tốt, hiệu quả trong thời gian tới.

Hiện Việt Nam bắt đầu bắt tay vào việc chuẩn bị cho kỳ PISA năm 2015. PISA triển khai 3 năm 1 lần, năm 2012 lần đầu tiên và năm 2015 sẽ là lần thứ 2 Việt Nam tham gia.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục