Kêu gọi Chính phủ Mali đối thoại với dân miền Bắc

Pháp yêu cầu Chính phủ Mali tiến hành thương lượng với dân chúng các bộ tộc ở miền Bắc nhằm bảo đảm an ninh, ổn định tình hình.
Ngày 30/1, Paris đã yêu cầu Chính phủ Bamako tiến hành thương lượng với dân chúng các bộ tộc ở miền Bắc Mali nhằm bảo đảm an ninh, ổn định tình hình và tiễu trừ khủng bố tại nước này.

Tạp chí Afrique cùng ngày dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với chính quyền Mali phải thương lượng "ngay lập tức" với đại biểu dân cử và xã hội dân sự ở Bắc Mali, kể cả với các nhóm vũ trang không phải khủng bố nhưng thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ Mali.

Tuyên bố trên được Pháp đưa ra một ngày sau khi quân Pháp làm chủ thành phố Kidal ở miền Bắc Mali. Đây có thể được coi là giai đoạn cuối cùng trong chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali.

Theo các nhà phân tích, Chính phủ Mali cần thực hiện hai yêu cầu cấp bách là đối thoại với người Touareg vốn sẵn sàng hợp tác với Pháp và chính quyền Mali để được thừa nhận quyền chính đáng của mình và được các nước trong vùng công nhận thực sự về mặt chính trị; hợp tác với các nước trong vùng để triệt phá các nhóm
Hồi giáo vũ trang lẩn trốn ở vùng núi và trong sa mạc.

Cùng ngày, Canaaa đã hoan nghênh việc Mali thông qua lộ trình cho tương lai nước này, trong đó cam kết tiến hành bầu cử vào tháng Bảy tới và thương lượng với các đại diện ở miền Bắc của quốc gia châu Phi này.

Trong khi đó, Mỹ kêu gọi người dân Mali "kiềm chế," không tiến hành tấn công trả đũa nhằm vào người Touareg hay các cộng đồng thiểu số khác khi lực lượng Pháp giúp quân đội Mali giải phóng các thị trấn quan trọng khỏi sự chiếm đóng của phiến quân Hồi giáo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng thách thức hiện nay là đảm bảo giữ chắc các thành phố, thị trấn vừa giành lại được, triển khai các sứ mệnh quốc tế nhằm ổn định miền Bắc Mali, truy đuổi phiến quân đến cùng để lực lượng này không thể tái hợp.

Trong một diễn biến có liên quan tới Mali, ngày 30/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova cho biết sẽ gửi gấp một phái đoàn tới thành phố lịch sử Timbuktu để đánh giá mức độ phá hủy mà phiến quân Hồi giáo gây ra đối với các di tích văn hóa cổ của nước này.

Bà Bokova cho biết UNESCO sẽ nỗ lực hết sức để giúp người Mali xây dựng lại và bảo vệ các di tích văn hóa cổ của Mali như các lăng mộ tại Timbuktu, lăng mộ Askia tại Gao.

Năm ngoái, phiến quân Hồi giáo đã tàn phá các lăng mộ cổ và lối vào nhà thờ Hồi giáo Sidi Yahya được xây dựng từ thế kỷ 15 tại Timbuktu.

Mới đây, trước khi tháo chạy khỏi thành phố này, phiến quân Hồi giáo còn đốt cháy một thư viện chứa hàng nghìn bản thảo chép tay vô giá. May thay, phần lớn số bản thảo này đã được chuyển tới một nơi an toàn trước khi các nhóm phiến quân Hồi giáo tràn vào thành phố hồi năm ngoái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục