Kêu gọi đối thoại với các nước châu Phi muốn rút khỏi ICC

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Haye (Hà Lan) ngày 24/10 đã kêu gọi các nước thành viên tìm kiếm sự đồng thuận với các quốc gia châu Phi muốn rút khỏi ICC.
Kêu gọi đối thoại với các nước châu Phi muốn rút khỏi ICC ảnh 1Chủ tịch Hội đồng các quốc gia thành viên Quy chế Rome, Bộ trưởng Tư pháp Senegal Sidiki Kaba. (Nguồn: AFP)

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Haye (Hà Lan) ngày 24/10 đã kêu gọi các nước thành viên tìm kiếm sự đồng thuận với các quốc gia châu Phi muốn rút khỏi ICC.

Đồng thời, ICC nhấn mạnh rằng thông báo của Nam Phi và Burundi về việc rút khỏi “Quy chế Rome” - tên gọi của hiệp ước về thành lập ICC - sẽ chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ khi chính thức được gửi lên Liên hợp quốc.

Chủ tịch Hội đồng các quốc gia thành viên Quy chế Rome, Bộ trưởng Tư pháp Senegal Sidiki Kaba nêu rõ cần tiến hành đối thoại với các quốc gia (châu Phi) muốn rút khỏi ICC.

Ông cho rằng phiên họp của đại hội đồng ICC vào tháng 11 tới sẽ là một diễn đàn thích hợp để các nước thành viên tìm kiếm sự đồng thuận.

Bộ trưởng Kaba cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi ICC của Nam Phi, đồng thời kêu gọi nước này cân nhắc lại.

Ông cho rằng động thái này có thể sẽ mở đường cho các nước châu Phi khác rút khỏi Quy chế Rome.

Ông Kaba cũng kêu gọi tăng cường các hệ thống tòa án quốc gia nhằm cho phép “người châu Phi xét xử người châu Phi trên chính châu lục này.”

Ngoài ra, ông Kaba cũng bày tỏ quan ngại rằng việc rút khỏi ICC của Nam Phi sẽ làm suy yếu tòa án hình sự quốc tế thường trực duy nhất chịu trách nhiệm truy tố “những tội phạm nghiêm trọng nhất gây ra những tội ác lớn cho nhân loại.”

Ông Kaba kêu gọi các quốc gia thành viên của ICC tiếp tục đóng vai trò tích cực, đồng thời hối thúc những nước chưa phải là thành viên sớm phê chuẩn Quy chế Rome.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi ICC của Nam Phi, sau những tranh cãi liên quan việc Pretoria từ chối bắt giữ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir theo đề nghị của các công tố viên ICC khi nhà lãnh đạo này tới Nam Phi dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) hồi tháng 6/2015.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc hy vọng Nam Phi sẽ xem xét lại quyết định này.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn truyền thông địa phương ngày 24/10 cho biết Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia châu Phi là thành viên ICC cùng với Nam Phi rút khỏi tòa án này, xem đây là hành động cần thiết thực hiện một nghị quyết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh AU mới đây ở thủ đô Kigali của Rwanda, trong đó mô tả ICC như là một “công cụ thực dân mới” nhằm vào châu Phi và các nhà lãnh đạo của châu lục này.

Tuần trước, Nam Phi tuyên bố đã chính thức gửi văn bản lên Liên hợp quốc thông báo rút khỏi ICC sau những tranh cãi liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tới Nam Phi hồi năm ngoái.

Theo Quy chế Rome, là một nước thành viên ICC, Nam Phi có nghĩa vụ bắt giữ ông al-Bashir, người đang bị ICC truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, chống lại loài người và tội diệt chủng.

Tuy nhiên, Nam Phi đã không thực hiện việc này và ông al-Bashir rời khỏi nước này sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU.

Đầu tháng này, Hạ viện Burundi cũng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua việc rút khỏi ICC sau khi LHQ khởi động cuộc điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại quốc gia này.

Kenya và Namibia cũng cảnh báo sẽ rút khỏi tòa án này. Nếu Nam Phi chính thức rút khỏi ICC, nước này sẽ là quốc gia đầu tiên ra khỏi thể chế tòa án quốc tế này và dư luận quốc tế lo ngại nhiều quốc gia khác ở châu Phi theo Pretoria rời khỏi ICC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục