Khắc phục những yếu điểm của hệ thống phân phối bán lẻ

Để khắc phục căn bệnh cố hữu và xốc lại hệ thống phân phối, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần tổ chức lại hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối theo chuỗi, hạn chế các khâu trung gian để giảm giá thành.
Khắc phục những yếu điểm của hệ thống phân phối bán lẻ ảnh 1(Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Mặc dù là một trong những thị trường hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến nay việc thiếu chiến lược phát triển ở ba cấp độ nhà nước, ngành công thương và doanh nghiệp vẫn đang là căn bệnh cố hữu của hệ thống phân phối. Không dừng lại ở đó, hệ thống này còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa mang tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc quản trị doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực cũng ít được chú trọng khiến cho việc quản lý chuỗi hệ thống phân phối bán lẻ bị phân tán và khó kiểm soát.

Thiếu liên kết hệ thống

Thời gian gần đây, thị trường đang bất ổn trước thực trạng giá lợn hơi xuống thấp thê thảm, chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi được làm sạch pha miếng thì giá lợn tại các chợ dân sinh lại cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí tại siêu thị giá còn cao hơn nữa. Điều này thể hiện sự thao túng thị trường của các tiểu thương cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh sự thiếu thành công về chuỗi liên kết từ hệ thống phân phối bán lẻ trong nước.

Theo giới chuyên gia, mới đây đoàn khảo sát đã đi thực địa tại các tỉnh như Hà Nam và Thành phố Hồ Chí Minh thì hầu hết giá lợn hơi đều xuống dưới mức 30.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thịt lợn xuống giá là các thương lái không tha thiết nhập các loại lợn to, lợn béo như trước đây nữa khiến lợn ế đầy chuồng trại. Tuy nhiên, tại các chợ và siêu thị thì giá vẫn giữ mức cao hơn giá lợn hơi nhiều lần, tại siêu thị thậm chí còn cao hơn chợ từ 5-10% tùy hệ thống.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng sở dĩ giá thịt lợn tại các siêu thị vẫn ở mức cao là do các siêu thị không ký hợp đồng thẳng với các cơ sở chăn nuôi mà vẫn qua các nhà phân phối. Chính vì vậy, các siêu thị trên địa bàn đang bị nhà phân phối làm giá. Ngoài ra, thịt lợn Việt Nam khi vào tới siêu thị phải qua rất nhiều khâu như kiểm dịch một lần, kiểm dịch hai lần hay phí chuyển vùng, phí chuyển kho… cũng là nguyên nhân góp phần đội giá.

Ông Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm, bất cập tại siêu thị là vậy, còn ngoài thị trường để thịt lợn đến với người tiêu dùng phải qua ba khâu trung gian là thương lái, giết mổ và bán lẻ. Mặc dù nhu cầu lớn nhưng đến nay Hà Nội mới xây dựng được tám chuỗi cung ứng thịt cho người dân thủ đô, chiếm khoảng 1% so với nhu cầu thực tế. Vì thế, việc thương lái đang điều khiển thị trường là một thất bại của hệ thống phân phối, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và người chăn nuôi.

Nhận định về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay hệ thống phân phối hàng hóa nói chung và các mặt hàng thiết yếu nói riêng của Việt Nam còn yếu. Mặc dù, nhà nước và các doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng nhưng các mắt xích còn rời rạc, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp gắn kết quá lỏng lẻo dẫn đến tình trạng phân phối còn qua nhiều cấp trung gian khiến cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp khó kiểm soát giá bán và chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh thêm, thời gian qua dù đã có nhiều giải pháp được áp dụng nhưng chưa hiệu quả do căn bệnh cố hữu của hệ thống phân phối là vẫn tồn tại nhiều hình thức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ, manh mún và chưa được tổ chức thành một khối liên kết để khẳng định thương hiệu bền vững.

Giải pháp dài hơi

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho biết sở dĩ công ty vẫn giữ nguyên giá bán lẻ bởi phải mua thịt chất lượng, giá cao hơn thị trường từ các trang trại chăn nuôi công nghiệp. Cùng với đó, công ty vẫn đang áp dụng giá bán bình ổn, thấp hơn so với thị trường bên ngoài nên công ty không điều chỉnh giá nữa. Do vậy, giá lợn hơi 36.000-38.000 đồng/kg, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng từ 80.000-90.000 đồng/kg là hoàn toàn hợp lý.

Ông Văn Đức Mười chia sẻ thêm, sở dĩ tiểu thương bán lẻ có thể neo giá thịt ở mức cao vì hiện nay kênh phân phối truyền thống ở các chợ còn quá lớn, nên đang quyết định nguồn cung cho thị trường. Công ty VISSAN là đơn vị lớn nhưng cũng chỉ chiếm thị phần 30%, cộng thêm các đơn vị khác nữa cũng chưa được 50%. Do đó, một nửa lượng thịt vẫn do các tiểu thương nhỏ lẻ cung cấp, trong điều kiện chợ ế, lượng bán giảm thì họ phải neo giá cao để đảm bảo lợi nhuận.

Để khắc phục căn bệnh cố hữu và xốc lại hệ thống phân phối, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần tổ chức lại hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối theo chuỗi, hạn chế các khâu trung gian để giảm giá thành, đồng thời giúp các hộ chăn nuôi không bị tư thương ép giá.

Còn theo ông Võ Văn Quyền, để thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng, bản thân các nhà sản xuất cũng phải tự xây dựng và tổ chức một hệ thống phân phối hàng hóa sâu rộng để có thể cung ứng và kiểm soát một cách tốt nhất giá cả và chất lượng hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết.

Đối với những mặt hàng thiết yếu, nhà nước nên lựa chọn một số doanh nghiệp có nguồn cung lớn hoặc các doanh nghiệp phân phối lớn, yêu cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp đó xây dựng mạng lưới phân phối vững chắc, trước hết là đến các vùng có sức tiêu thụ lớn và thường xảy ra bất ổn thị trường. Trên cơ sở hệ thống phân phối này, nhà nước và doanh nghiệp có thể cung ứng hàng hóa với giá cả hợp lý đến người tiêu dùng, đồng thời có thể dễ dàng can thiệp để ổn định thị trường khi cần thiết.

Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Từ đó, Bộ đã chủ trì và phối hợp thực hiện việc xây dựng một số đề án quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối đối với một số mặt hàng thiết yếu như phân bón, thép, xăng dầu, lương thực… để định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tổ chức hệ thống phân phối một cách chuyên nghiệp.

Trên cơ sở các hệ thống phân phối bán lẻ đã được hình thành, để bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số hàng hóa thiết yếu, chủ động nắm nguồn cung để có thể đưa vào hệ thống phân phối bán lẻ nhằm nhanh chóng bình ổn thị trường khi có biến động mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục