Khắc phục tiến độ phổ biến pháp luật ở nông thôn

Nhấn mạnh phổ biến pháp luật ở nông thôn còn chậm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành chức năng sớm khắc phục tồn tại này.
Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2009-2012 (Đề án 554).

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua trong việc triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả Đề án 554.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác tuyên truyền chiếm vị trí rất quan trọng trong việc phổ biến pháp luật ở Việt Nam. Những kết quả từ đề án đã có dấu ấn nhất định, với nhiều cách làm tốt được nhân lên. Hình thức tuyên truyền cũng phong phú đa dạng hơn. Công tác phối hợp lồng ghép thực hiện đề án bước đầu đạt hiệu quả tốt như tuyên truyền trực tiếp, sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu công nghệ thông tin.... Đề án cũng huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia, các bộ ngành địa phương đã vào cuộc với nhiều mô hình tốt.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng còn nhiều tồn tại cần khắc phục như tiến độ triển khai chậm; nhiều nông dân chưa nắm được luật, nhất là ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới đời sống của chính mình. Bên cạnh đó, còn nhiều địa phương chưa tích cực triển khai, thực hiện nghiêm theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa nhằm góp phần đưa pháp luật tới nông dân, đồng bào dân tộc ít người để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ. Đây là yêu cầu cấp bách sau hội nghị này. Các bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo đảm bảo hiệu quả cao nhất cho Đề án 554. Đa dạng hóa, đổi mới phương pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Nên đi sâu vào một số vấn đề thiết thực hiện nay đối với từng vùng, từng địa phương như: an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, bạo lực gia đình, luật đất đai, tự do tín ngưỡng….

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác thực hiện đề án trong giai đoạn 2013-2016, có các hành  động cụ thể nhằm đạt các mục tiêu, yêu cầu của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 409/QĐ-TTg, ngày 9/4//2012.

Theo báo cáo của Ban điều hành Đề án 554, trong giai đoạn 2009-2012, thông qua các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc ít người đã được nâng cao hơn về trình độ hiểu biết phát luật, có sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Đề án đã xây dựng 10 mô hình thí điểm thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc ít người.

Các địa phương đã tổ chức được hơn 178.650 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hơn 11,5 triệu lượt người; tổ chức 245 cuộc thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức sân khấu hóa với gần 2,2 triệu lượt người tham gia... Mặc dù vậy, Ban Điều hành Đề án 554 đánh giá, Đề án mới đạt được 50% mục tiêu được phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 4/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn 2013-2016, Đề án sẽ tập trung kiện toàn bộ máy, khảo sát nhu cầu về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc ít người. Đề án sẽ nhân rộng mô hình thí điểm về tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng một số mô hình ở các xã nông thôn mới, vùng bãi ngang, hải đảo, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đạo và tại 28 tỉnh điểm.

Đến hết năm 2016, Đề án phấn đấu đạt từ 70% trở lên người dân nông thôn tại các vùng nông thôn mới, vùng bãi ngang, hải đảo được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các quy định pháp luật khác có liên quan; từ 60% trở lên đồng bào dân tộc ít người tại 1848 xã đặc biệt khó khăn, 69 huyện nghèo, xã vùng sâu vùng xã, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật thiết yếu.../.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục