Khắc phục ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP, số điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh.
Sáng 11/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng khẳng định, với việc triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá như hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt cho xe có tải trọng nhẹ; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; hợp lý hóa lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt, bố trí lệch giờ làm việc, học tập... tình hình trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2008-2013 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại Hà Nội, số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 điểm xuống còn 57 điểm, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn hàng năm đều giảm cả 3 chỉ tiêu về số vụ, số người chết và số người bị thương so với các năm trước.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, số điểm ùn tắc giảm còn 76 điểm so với 120 điểm vào năm 2008; số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút hầu như rất ít khi xảy ra.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành và hai thành phố đã nhìn nhận lại những việc làm được, chưa làm được, thẳng thắn nêu các vấn đề bất cập trong quy hoạch, phát triển hạ tầng, rút bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp cơ bản để tiếp tục giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết Hà Nội đã quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Thành phố đã và đang triển khai xây dựng các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, nghiên cứu triển khai một phần đường vành đai 4, các tuyến quốc lộ và trục đường hướng tâm, một số tuyến đường đô thị kết nối trong nội đô, tỉnh lộ quan trọng trên địa bàn các quận, huyện.

5 năm qua, Hà Nội đã đầu tư hoàn thành các tuyến đường với chiều dài 372 km, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị từ 7% năm 2008 lên 8,15% năm 2013.

Cùng với đó, thành phố xây dựng một số cầu vượt qua sông, triển khai, đưa vào sử dụng 7 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút có mật độ giao thông cao, lắp đặt 18 cầu vượt cho người đi bộ, đầu tư xây dựng một số bãi đỗ xe... đã góp phần quan trọng làm giảm ùn tắc giao thông.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông của Hà Nội tuy đã được cải thiện nhưng chưa triệt để và bền vững, mất cân đối giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố còn chậm...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tiến, trong hơn 2 năm qua, trên địa bàn thành phố giảm 80% số vụ ùn tắc, từ đầu năm đến nay thành phố chưa xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào.

Biểu dương các cấp, các ngành và các địa phương đã có đóng góp quan trọng trong tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 16/2008/NQ-CP thời gian qua, song Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những mặt hạn chế, bất cập, đó là công tác quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè các tuyến phố trong đô thị còn biểu hiện lộn xộn, chưa văn minh trật tự; vẫn còn một số điểm ùn tắc, việc bảo kê vận chuyển hành khách, taxi dù, xe dù bến cóc trong thành phó vẫn còn...

Để khắc phục kịp thời những mặt hạn chế, tồn tại , nhằm thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông , Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, tìm ra nguyên nhân, các giải pháp đã đưa ra mà không thực hiện được, để từ đó đề xuất và triển khai các giải pháp mang tính đột phá trên tinh thần khắc phục và giải quyết bằng được các điểm nghẽn, điểm ùn tắc về giao thông còn lại.

Cùng với nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác khắc phục ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần kiên quyết, xử lý nghiêm các đơn vị, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng các cơ sở kinh doanh vận tải, các lái xe, các bến xe vi phạm các quy định của nhà nước về trật tự an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng, phê duyệt và triển khai quy hoạch về bến bãi, trạm dừng nghỉ, giao thông tĩnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông, tập trung quản lý các hoạt động vận tải hành khách để triệt để xóa bỏ bến cóc, xe dù, nghiên cứu áp dụng nút giao thông lập thể cần thiết...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn như: đường sắt đô thị, xe buýt có sức chở lớn…; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia.

Bộ cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại luồng tuyến xe buýt cho phù hợp và nâng cao chất lượng phục vụ của các tuyết xe buýt; điều chỉnh giờ hoạt động, tần suất các tuyến xe buýt cho phù hợp với phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn hai thành phố.

Các ngành chức năng quản lý có hiệu quả sự gia tăng phương tiện taxi và hoạt động của xe taxi; tập trung lực lượng, huy động các lực lượng trên địa bàn để xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các lỗi gây ra ùn tắc và tai nạn, các vi phạm hành lang an toàn giao thông, buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định; đề xuất cơ chế để đầu tư và xã hội hóa các điểm trông giữ phương tiện, mở rộng giao thông tĩnh.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp với hai thành phố nghiên cứu và đưa ra các phương án tổ chức giao thông hợp lý, tách làn phương tiện ở các tuyến đường có đủ điều kiện, lắp đặt đèn tín hiệu ở tất cả các điểm có xung đột về giao thông. Rà soát về biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, lắp đặt, bổ sung phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo thuận tiện cho người tham gia giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và xác định tiến độ di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính nhà nước. Đề xuất cơ chế về tài chính để đảm bảo thực hiện bằng được chủ trương di dời; quỹ đất sau khi di dời phải ưu tiên dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh.

Tất cả các đơn vị, phương tiện thi công quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh phải có phương án bảm đảm tránh ùn tắc và tai nạn trong khi thi công./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục