Khai hải quan điện tử: Cần hiểu biết từ doanh nghiệp

Để các doanh nghiệp "mặn mà" hơn với khai báo hải quan điện tử thì từ lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải biết hiểu về phương thức này.
Từ ngày 1/8, Chi cục Hải quan Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, đã áp dụng việc thực hiện khai báo hải quan điện tử, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần chống gian lận thương mại.

Hiện đã có 50% số tờ khai của doanh nghiệp được thực hiện bằng hải quan điện tử.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với đội phó đội nghiệp vụ hải quan Tân Thanh, ông Lương Văn Chung, để tìm hiểu rõ hơn về sự cần thiết khi áp dụng hải quan điện tử so với khai báo hải quan theo kiểu truyền thống.

- Doanh nghiệp có cảm thấy "mặn mà" khi tiếp xúc và trực tiếp thực hiện khai báo hải quan theo kiểu điện tử không, thưa ông?

Ông Lương Văn Chung: Khi bắt tay vào công việc, chúng tôi có thuận lợi là học tập được nhiều bài học kinh nghiệm, vì  Cục Hải quan Lạng Sơn là đơn vị thực hiện khai báo hải quan điện tử sau Cục Hải quan thành phố Hải Phòng và Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu như từ ngày 1/8 đến 30/9 mới có 24 doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử tại Chi cục Tân Thanh thì đến 30/11 đã lên đến 35 doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, lúc đầu chúng tôi cũng phải vận động họ chuyển sang khai báo hải quan điện tử. Nhưng cũng giống như con người dùng mãi một món ăn thì sẽ cảm thấy quen thuộc, dần dần, các doanh nghiệp cũng đã hào hứng tham gia hải quan điện tử vì cảm thấy phương thức này hợp lý và thuận lợi hơn.

Không thể phủ nhận việc áp dụng hải quan điện tử đã giúp rất nhiều cho doanh nghiệp về thời gian chờ đợi, di chuyển,  khiến việc xuất nhập khẩu hàng hóa được nhanh chóng, rút gọn và thuận tiện hơn.

Nếu như bình thường, khai hải quan theo kiểu truyền thống thì mất khoảng 7-8 giờ, tức là khoảng 1 ngày làm việc thì khai báo hải quan điện tử thời gian được rút gọn hơn khá nhiều.

Tuy nhiên, theo tôi, muốn doanh nghiệp cảm thấy "mặn mà" hơn khi sử dụng khai báo hải quan điện tử thì cũng phải có quá trình từng bước.

Muốn vậy thì kể từ những người lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải biết rằng thế nào là hải quan điện tử, khai báo như thế nào, quy trình từng bước tiến hành ra sao... để có thể cùng với hải quan kiểm tra, rà soát việc thực hiện.

- Qua gần 4 tháng áp dụng hải quan điện tử, theo ông , còn có những khó khăn và vướng mắc nào?

Ông Lương Văn Chung: Khó khăn thì còn nhiều. Thứ nhất là về phía cán bộ, họ đã quen làm thủ tục hải quan truyền thống nên khi chuyển sang hải quan điện tử, lúc đầu nhiều người e ngại, thực hiện chưa tự tin vì nó còn mới quá.

Đối với cán bộ hải quan ở Chi cục Tân Thanh, sự am hiểu các chuyên ngành về luật, ngoại ngữ được đánh giá là rất quan trọng. Nhưng hiện giờ, khi áp dụng hải quan điện tử thì thấy rõ hơn sự cần thiết phải trang bị cho cán bộ những hiểu biết, chuyên môn sâu về nghiệp vụ tin học chuyên ngành.

Khó khăn thứ hai xuất phát từ phía doanh nghiệp, vì doanh nghiệp có thói quen đến tận trụ sở của chi cục hải quan để làm các thủ tục, qua đó có thể nhận được sự hướng dẫn và giúp đỡ từ phía cán bộ hải quan khi khai báo xuất hiện những khó khăn, vướng mắc.

Áp dụng hải quan điện tử thì doanh nghiệp có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là ở trụ sở cơ quan, doanh nghiệp để tiến hành các thủ tục, chỉ cần có máy tính và một đường truyền Internet tốt.

Tuy nhiên nếu như khi họ khai báo xong các thủ tục rồi nhấn nút gửi đi nhưng vì một lý do nào đó mà chúng tôi ở tại chi cục không nhận được hoặc nhận rồi mà không mở ra được thì buộc doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu việc khai hải quan.

Đấy là còn chưa kể đến việc hạ tầng truyền dữ liệu hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi lẽ khi chúng tôi, hoặc một người dân và doanh nghiệp nào đó đang tiến hành thao tác khai hải quan điện tử mà đường truyền lại bị nghẽn mạch thì "xôi hỏng, bỏng không".

Người dân và doanh nghiệp phải thao tác lại, nếu đường truyền ADSL bị hỏng thì họ còn có thể sử dụng được USB mạng 3G hay GPRS để khai báo lại, nhưng chúng tôi thì buộc phải chuyển sang thực hiện các bước thủ tục khai báo hải quan theo kiểu truyền thống.

Thứ ba là hiện nay mới chỉ có một hệ thống khai báo hải quan điện tử. Nếu như gặp trục trặc thì phải một thời gian sau mới có thể tiếp tục công việc vì không có hệ thống khai báo hải quan điện tử thứ hai mang tính dự phòng.

- Khi áp dụng hải quan điện tử, có khi nào phát hiện sai sót mà nguyên nhân từ phía cán bộ?

Ông Lương Văn Chung: Đội của chúng tôi có 25 người, trong công việc hàng ngày có thể đáp ứng tương đối yêu cầu về nghiệp vụ nhưng để đạt đến trình độ chuyên sâu thì chưa.

Bên cạnh đó, khai báo hải quan nói chung và khai báo hải quan điện tử nói riêng bắt buộc phải theo quy trình từng bước thì sự sai sót từ phía cán bộ hải quan ở đây hầu như không xảy ra.

Còn về tiêu cực trong cán bộ hải quan thì chúng tôi không có cơ hội. Cán bộ lãnh đạo đội tiếp nhận hồ sơ, sau đó giao cho cán bộ dưới quyền thực hiện những bước tiếp theo hoàn toàn bằng điện tử, qua hệ thống máy tính hết. Nếu như trục trặc bất khả kháng thì chúng tôi mới buộc phải tiến hành theo kiểu truyền thống.

- Hải quan Lạng Sơn là một trong 13 cục hải quan trong nước triển khai thực hiện hải quan điện tử, theo ông, thời gian tới có nên sớm mở rộng ra các địa phương khác nữa không, hay là cần có thời gian để rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng?

Ông Lương Văn Chung: Theo ý kiến cá nhân tôi thì  việc triển khai hải quan điện tử còn phụ thuộc nhiều vào những người dùng. Mà người sử dụng tức là doanh nghiệp, họ sẽ quyết định việc này.

Nếu ta áp đặt họ phải chuyển hoàn toàn từ khai báo hải quan theo kiểu truyền thống sang khai báo hải quan điện tử thì cũng không hoàn toàn hợp lý.

Đấy là còn chưa nói việc khai báo hải quan điện tử đôi khi cũng gặp trục trặc, sự cố do đường truyền..., như tôi đã trình bày ở trên. Theo tôi, trong thời gian tới vẫn nên cho tồn tại hai hệ thống khai báo hải quan với mô hình cả truyền thống lẫn điện tử.

Đối với những doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ thì họ có thể lựa chọn khai báo hải quan truyền thống vì chưa có điều kiện đầu tư kinh phí cho nhân lực, máy móc, đường truyền internet.

Còn đối với doanh nghiệp lớn thì tôi nghĩ rằng họ sẽ nghiêng về sử dụng hải quan điện tử hơn vì nó mang nhiều tính ưu việt. Và quan trọng nhất là họ có điều kiện đầu tư về con người và trang thiết bị cho công việc mới mẻ nhưng rất hữu ích này.

Xin cảm ơn ông./.

Quảng Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục