Khai mạc hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần 17

Ngày 10/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần thứ 17 đã khai mạc tại thủ đô Tokyo với chủ đề “Lãnh đạo nhạy bén - Sức mạnh đột phá mở cánh cửa tương lai.”
Khai mạc hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần 17 ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Tuyến- Tri Phương/Vietnam+)

Theo Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 10/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu lần thứ 17 đã khai mạc tại thủ đô Tokyo với chủ đề “Lãnh đạo nhạy bén - Sức mạnh đột phá mở cánh cửa tương lai,” do tập đoàn truyền thông Nikkei (Nhật Bản), Trường Đại học Kinh doanh Havard (Mỹ) và Trường Kinh doanh IMD (Thụy Sỹ) kết hợp đồng tổ chức.

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới như của Chủ tịch Tập đoàn Panasonic Kazuhiro Tsuga và Chủ tịch Tập đoàn nội thất Nitori Akio Nitori, Chủ tịch Tập đoàn Boeing James McNerney Jr, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Shiseido Masahiko Uotan, Chủ tịch FPT Việt Nam Trương Gia Bình...

 

Theo những nhà tổ chức hội nghị, tình hình kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn suy giảm do ảnh hưởng từ một loạt yếu tố như kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá dầu thô giảm mạnh...

Trong bối cảnh tình hình khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp cần có sự nhạy bén, để vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đứng vững trong một môi trường liên tục thay đổi cũng như tiếp tục xây dựng và lập thêm các doanh nghiệp mới, đủ khả năng phát triển một cách bền vững trong tương lai.

Hội nghị Lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu thu hút 32 học giả, chiến lược gia kinh tế, các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu nổi bật trong thời gian qua đến trình bày tham luận cùng hàng trăm đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân tới tham dự, chia sẻ, thảo luận các vấn đề kinh tế.

Các học giả, doanh nhân tập trung thảo luận, trao đổi ý kiến xoay quanh vấn đề thế nào là “lãnh đạo nhạy bén” và các công ty cần phải có những khả năng gì để hồi phục nhanh chóng từ khó khăn và tạo ra bước tiến đột phá cho tương lai.

Theo kế hoạch, trong hai ngày làm việc, 22 diễn giả trình bày theo 14 nhóm đề tài, trong đó đáng chú ý là các đề tài “Xây dựng tương lai bằng sự đổi mới - Định hướng cho 10 năm tới,” “Sự nhạy bén của doanh nghiệp là gì,” “Liên kết với Trung Quốc: Cơ hội và Thách thức,” “Mở rộng toàn cầu hóa và cạnh tranh bằng các mối quan hệ hợp tác quốc tế,” “Đổi mới công nghệ có thể thay đổi cách sống của chúng ta,” “Tìm kiếm cơ hội thị trường tại một châu Á đang phát triển.” “Phát triển các cơ hội kinh doanh”...

 

Trong tham luận của mình, Chủ tịch kiêm người sáng lập Tập đoàn sản xuất đồ nội thất Nitori, ông Akio Nitori, nói rằng cần coi khó khăn là cơ hội cho phát triển. Ông nhấn mạnh vụ sụp đổ của tập đoàn tài chính Lehman Brother và đồng yen mất giá đã trở thành những cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản như Nitori.

Tuy nhiên, với người sáng lập tập đoàn Nitori, đó là một cơ hội khiến cho các nhà lãnh đạo trở nên mạnh mẽ hơn vì họ phải thích ứng với hoàn cảnh bằng các phương pháp đổi mới để giảm giá thành.

Liên quan đến Việt Nam, Chủ tịch Nitori cho rằng đây là thị trường có tiềm năng nhất khu vực châu Á, vì vậy Nitori có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với công suất lớn gấp 2,4 lần công suất của nhà máy tại Hà Nội.

Tham luận của Chủ tịch Tập đoàn Panasonic Tsuga cũng đồng quan điểm của lãnh đạo Nitori. Ông Tsuga cho biết ông gánh vác vai trò lãnh đạo tập đoàn trong giai đoạn khó khăn của Panasonic, buộc ông phải đưa ra những quyết định dứt khóat như rút khỏi mảng TV plasma và điện thoại thông minh để vực dậy tập đoàn. Ông tin tưởng rằng Panasonic sẽ sớm vượt qua khó khăn để hồi phục.

Chủ tịch tập đoàn tự động hóa công nghiệp và điện Thuỵ Sĩ ABB Ulrich Spiesshofer cho rằng khi những công nghệ mới tạo ra những thay đổi triệt để trên thế giới, các tập đoàn hàng đầu như ABB phải có trách nhiệm tìm ra những phương pháp để khai thác hiệu quả những tiến bộ này.

Về vấn đề kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng hối đoái Hồng Công Charles Li Xiaojia cho rằng các nhà đầu tư chứng khóan không nên quá coi trọng đến số liệu tăng trưởng của Trung Quốc mà thay vào đó nên đánh giá sự giảm tốc này theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, từ quan điểm cá nhân, ông Charles Li Xiaojia cho rằng đây là một dấu hiệu đáng hoan nghênh.

Ông phân tích nền kinh tế Trung Quốc cấu thành với hai nhóm gồm nhóm một là doanh nghiệp chế tạo và doanh nghiệp nhà nước với nhóm hai là dịch vụ và doanh nghiệp tư nhân. Theo ông, nhóm một, đã bị dư thừa công suất trong nhiều năm qua, chiếm khoảng 50% thu nhập doanh nghiệp, song chỉ đóng góp 30% lợi nhuận cho nền kinh tế.

Trong khi đó, nhóm hai thu hút tới 70% lao động tuyển dụng. Khi các số liệu của nền kinh tế Trung Quốc giảm đi, điều đó có nghĩa tình hình của nhóm một tệ hơn nhiều so với số liệu trong khi tình hình của nhóm hai đang được cải thiện. Ông ví nền kinh tế Trung Quốc như một con thuyền lớn đã hoạt động liên tục trong một thời gian quá dài, quá nhiều và quá nhanh.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999 do Nikkei, Viện IMD và Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình dương Đại học Standford (Mỹ), Hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu được tổ chức hàng năm, được đánh giá là một trong những hội nghị uy tín, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nhân, học giả, nhà quản lý kinh tế hàng đầu thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục