Khai mạc Hội thảo không chính thức Diễn đàn Á-Âu về quyền con người

Chiều 18/11, Hội thảo không chính thức lần thứ 14 của Diễn đàn Á-Âu (ASEM) về quyền con người đã khai mạc với chủ đề “ Doanh nghiệp và bảo vệ quyền con người.”
Khai mạc Hội thảo không chính thức Diễn đàn Á-Âu về quyền con người ảnh 1Quang cảnh lễ khai mạc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 18/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Quỹ Á-Âu (ASEF) khai mạc Hội thảo không chính thức lần thứ 14 của Diễn đàn Á-Âu (ASEM) về quyền con người với chủ đề “ Doanh nghiệp và bảo vệ quyền con người.”

Tham dự hội thảo có 120 đại biểu đại diện cho chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức chính trị- xã hội-nghề nghiệp, một số công ty, tập đoàn đa quốc gia đến từ 53 thành viên Diễn đàn hợp tác Á-Âu.

Hội thảo không chính thức lần thứ 14 của Diễn đàn Á-Âu về quyền con người diễn ra từ ngày 18-21/11 sẽ tập trung vào các quyền con người và kinh doanh, đặc biệt là xem xét về tình hình này tại các nước thành viên Diễn đàn hợp tác Á-Âu và cả hai khu vực châu Á và châu Âu. Theo đó, ngoài các phiên họp toàn thể, hội thảo sẽ có bốn cuộc thảo luận nhóm được tổ chức đồng thời về bốn chủ đề: Nhiệm vụ của Nhà nước phải bảo vệ các quyền con người chống lại sự vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh; Trách nhiệm xã hội và việc Doanh nghiệp tham gia thực hiện các quyền con người; Việc Giám sát, Báo cáo và Tiếp cận các biện pháp giải quyết; Sự hợp tác của nhiều bên.

Hội thảo này được các bên trông đợi sẽ thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm và chia sẻ các bài học kinh nghiệm của mỗi bên trong quá trình thúc đẩy và đảm bảo việc thực thi các quyền con người nói chung, đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nói riêng ở mỗi quốc gia thành viên Diễn đàn Á-Âu.

Hội thảo không chính thức về quyền con người là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á-Âu nhằm tạo cơ hội để tăng cường hiểu biết, trao đổi bài học, kinh nghiệm giữa đại diện các cơ quan Chính phủ, viện nghiên cứu, học giả, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của hai châu lục Á-Âu trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức hội thảo là một hoạt động thể hiện tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng đóng góp của Việt Nam với diễn đàn Á-Âu mà Việt Nam là thành viên.

Chủ đề của hội thảo về trách nhiệm bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp cũng phù hợp với quan tâm và nỗ lực hiện nay của Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững.

Đây cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu, chia sẻ các thành tựu, tham khảo kinh nghiệm, bài học quốc tế về xử lý các khó khăn, thử thách hiện nay về trách nhiệm bảo vệ quyền con người của doanh nghiệp.

Cùng ngày đã diễn ra hội thảo bên lề với chủ đề về “Thỏa ước lao động tập thể” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi những thông tin về thương lượng tập thể về quyền của người lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và việc thực hiện quyền của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Các đại biểu Việt Nam cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm đối với công đoàn về xây dựng thỏa ước lao động tập thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục