Khai mạc phiên họp lần thứ 68 Đại hội đồng WHO tại Geneva

Ngày 18/5, phiên họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ.
Khai mạc phiên họp lần thứ 68 Đại hội đồng WHO tại Geneva ảnh 1Nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước khi vào bệnh viện Kagadi cách Kampala, 200km, nơi bùng phát dịch sốt Ebola. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/5, phiên họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ.

Phiên họp năm nay sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 26/5 nhằm thảo luận một loạt các vấn đề như dịch bệnh Ebola, các chương trình y tế chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ vị thành niên, người già, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, các chương trình nghị sự về sức khỏe sau năm 2015...

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan nhấn mạnh năm 2015 là một năm của quá trình chuyển đổi.

Thế giới đã chứng kiến nhiều đổi thay kể từ đầu thế kỷ này khi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được đưa ra trong khuôn khổ tổng thể cho sự hợp tác phát triển với mong muốn tạo ra một thế giới hòa bình, thịnh vượng hơn.

Tuy nhiên, hiện các mối đe dọa đối với sức khỏe ngày càng nhiều đòi hỏi con người cần phải có sự sáng tạo và quyết tâm.

Dịch bệnh Ebola lan rộng tàn phá các quốc gia như Guinea, Liberia và Sierra Leone. Những ứng phó khẩn cấp lớn nhất tập trung ở Tây Phi, nơi có khoảng 1.000 nhân viên của WHO.

Với sự hỗ trợ của nhiều đối tác và nhiều quốc gia thành viên WHO, ba quốc gia nói trên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những tháng gần đây.

WHO hy vọng có được một loạt sáng kiến, dụng cụ, biện pháp can thiệp, bao gồm cả các vắc xin mới cùng với các chiến lược chính xác đảm bảo mục tiêu giới hạn thời gian.

Vượt trên tất cả, công việc của WHO hướng tới các cam kết về bình đẳng, công bằng xã hội, và quyền được đảm bảo sức khỏe.

Khi số lượng các quốc gia hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân gia tăng, những quan điểm cho rằng người nghèo sống ở những nơi nghèo chắc chắn chỉ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe nghèo nàn sẽ không còn chính xác nữa.

Phát biểu tại Đại hội đồng WHO cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định WHO là tổ chức quốc tế duy nhất mang tính chính trị phổ quát về các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Bà Merkel đã kêu gọi một kế hoạch mới nhằm đối phó với "thảm họa" như dịch bệnh Ebola gần đây.

Thủ tướng Đức cũng mong muốn tất cả các nước cùng trợ giúp chống lại tình trạng lạm dụng kháng sinh, dẫn đến sự kháng thuốc khiến cho những căn bệnh có thể điều trị lâu dài trở thành căn bệnh giết người.

Bà Merkel cho biết Đức đã đồng ý một kế hoạch hành động toàn cầu do WHO soạn thảo, để giải quyết các vấn đề phát triển của tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Thủ tướng Merkel còn nhấn mạnh đến sự cần thiết để tất cả các nước có hệ thống y tế vững mạnh, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của sức khỏe trong phát triển bền vững.

Trao đổi với các phóng viên trong buổi họp báo, bà Margaret Chan khẳng định quyết tâm có những thay đổi cơ bản để giúp công việc của WHO được tốt hơn, xây dựng hệ thống và nguồn lực nhằm có được phản ứng đi đầu trước sự bùng phát về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

Tổng giám đốc WHO đã đưa ra đề xuất gây dựng một quỹ dự phòng mới 100 triệu USD, tránh cho tổ chức này phải đối mặt với một số tình huống không được chuẩn bị, nhằm tạo điều kiện cho một phản ứng nhanh chóng và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục