Đến Nga hòa vào lễ hội truyền thống Maslenitsa độc đáo

Khám phá những nét độc đáo của lễ hội truyền thống Maslenitsa

Maslenitsa được các nhà nghiên cứu văn hóa Nga xếp vào nhóm các lễ hội nông nghiệp, mang ý nghĩa tạm biệt mùa ​Đông, đón chào mùa Xuân.
Khám phá những nét độc đáo của lễ hội truyền thống Maslenitsa ảnh 1Hình nộm Maslenitsa được dựng lên ở vị trí trung tâm của nơi tổ chức lễ hội. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Những ngày giữa tháng Ba vừa qua, người dân khắp nước Nga tưng bừng đón lễ hội dân gian Maslenitsa, còn được biết đến với tên gọi “Tống tiễn mùa Đông.”

Đây là lễ hội có truyền thống lâu đời nhất ở Nga và có nhiều nét độc đáo lý thú.

Maslenitsa được các nhà nghiên cứu văn hóa Nga xếp vào nhóm các lễ hội nông nghiệp, mang ý nghĩa tạm biệt mùa ​Đông, đón chào mùa ​Xuân và cầu mong cho mùa màng bội thu. Hoạt động của lễ hội diễn ra trong vòng một tuần, không theo lịch cố định và thường bắt đầu từ ngày thứ Hai theo Mùa chay của Chính thống giáo Nga và kết thúc vào Chủ Nhật. Năm nay, tuần lễ Maslenitsa ở Nga kéo dài từ 7-13/3.

Trong tuần lễ Maslenitsa, người dân Nga thường ăn bánh xèo, tiếng Nga gọi là Bliny. Bánh có hình tròn, màu sắc tươi sáng, được làm từ các nguyên liệu chính gồm: bột mỳ, trứng, sữa... Người Nga quan niệm, bánh Bliny tượng trưng cho Mặt trời với mong muốn vị thần ánh sáng sẽ sưởi ấm mặt đất, xua tan băng giá của mùa đông và mang lại vụ mùa bội thu cho người dân.

Trong văn hóa Nga, mỗi ngày của tuần lễ Maslenitsa gắn với những tập tục và quy tắc nhất định. Ngày thứ Hai trong tuần được gọi là "Gặp gỡ," theo cách hiểu tương tự ở Việt Nam có thể gọi là ngày khai hội. Vào ngày này, người dân làm hình nộm bằng rơm giống người phụ nữ mà theo truyền thống được gọi là Nữ Thần mùa đông Maslenitsa, và rước đi quanh làng hoặc khu dân cư. Tại những nơi công cộng người ta đắp những quả đồi, hình nộm bằng tuyết, dựng cây đu, bày bàn tiệc với những món ăn ngọt. Người dân bắt đầu đón hội Maslenitsa bằng việc viếng thăm những người thân.

Khám phá những nét độc đáo của lễ hội truyền thống Maslenitsa ảnh 2Nhóm hát múa Nụ cười biểu diễn một tiết mục múa dân gian. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Ngày thứ Ba Vui chơi – là ngày mà thanh niên và thiếu nhi được vui chơi thỏa thích. Họ cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống, trượt băng, đi xe trượt tuyết sanki do ngựa hoặc chó kéo chạy trên cánh đồng tuyết trắng bao la. Cũng có nơi, các chàng trai cùng đắp lên những thành lũy cao bằng tuyết. Một nét phong tục thú vị khác trong ngày này, đó là dịp các chàng trai cô gái trong độ tuổi hẹn hò cùng gặp gỡ, trò chuyện với nhau, trao cho nhau những cái nhìn tình tứ, để rồi sau khi kết thúc tuần Đại chay (Velykyi Post) thì cùng làm đám cưới.

“Ngày thứ Tư ăn ngon” là dịp mà các chàng rể sẽ đến nhà mẹ vợ ăn tiệc tưng bừng. Đối với những gia đình lớn có khi đến mười chàng rể cùng kéo đến một lúc thì mẹ vợ cũng phải tận tay thiết đãi tất cả họ cho đến no nê mới thôi. Ở nhiều địa phương, vào buổi tối những người phụ nữ cùng đi thành đoàn xung quanh làng, hát những bài hát ca ngợi những bà mẹ vợ và tự biên diễn những vở kịch vui về họ.

Cũng theo truyền thống văn hóa Nga, ba ngày đầu được coi là tiểu lễ và ba ngày sau được coi là đại lễ. Và ngày thứ năm “Chơi bời” chính là ngày bắt đầu ba ngày đại lễ Maslenitsa. Trong ba ngày này người dân tạm dừng mọi công việc thường nhật và chỉ tập chung vào vui chơi và ăn mừng lễ hội. Tất cả người dân cùng hòa vào các trò chơi tập thể. Những người đàn ông thì chơi đấm bốc, đua ngựa công phá thành lũy tuyết, đấu vật, một số khác thì leo núi và trượt ván tuyết. Trong ngày này mọi người cùng nắm những nắm tuyết và ném vào nhau một cách vui vẻ với ý nghĩa rũ bỏ mọi ưu tư phiền muộn không may của năm trước và xí xóa mọi mâu thuẫn giữa mọi người.

Khám phá những nét độc đáo của lễ hội truyền thống Maslenitsa ảnh 3Phần thi leo cột thu hút sự chú ý theo dõi và cổ vũ của đông đảo người dân. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)

Ngày thứ sáu của lễ hội được gọi bằng cái tên thú vị: "Bữa tiệc của của mẹ vợ." Đây là dịp mà các chàng rể khoe tài nấu ăn với mẹ vợ. Theo đúng phong tục, họ phải đích thân đến nhà mời mẹ vợ từ ngày hôm trước. Các chàng rể có thể chuẩn bị bữa tiệc trưa dành riêng cho mẹ vợ, hoặc một bữa tiệc tối không quá cầu kỳ dành cho cả gia đình. Tuy nhiên, có điều mà các chàng rể phải được biệt chú ý đó là trong suốt thời gian thiết đãi mẹ vợ không được lau sạch mồ hôi hoặc lấm bẩn trên mặt mình để sau bữa tiệc các nhạc mẫu sẽ dành những lời khen tụng hết mực.

Thứ Bảy được gọi là ‘ngày tụ họp của chị em chồng.” Vào ngày này các nàng dâu mới sẽ mời bố chồng và các chị em gái của bố chồng và gia đình họ đến dự tiệc. Các cô gái chưa chồng thì mời những người bạn cùng trang lứa đến tụ tập liên hoan. Còn những người đã có chồng thì mời tất cả người thân đến dự tiệc. Buổi tối cả làng cùng vui tiệc tập thể ngoài trời tưng bừng cho đến khi nào chán mới thôi.

Ngày cuối cùng của lễ hội Maslenitsa được gọi là “Chủ nhật chia tay.” Theo phong tục cổ truyền, trong ngày này tất cả mọi cùng gặp gỡ, chúc mừng nhau những lời tốt đẹp, xí xóa cho nhau lỗi lầm, bực dọc cũ để khởi đầu mối quan hệ trong sự hòa đồng thân ái. Ngày Chủ nhật được coi là tâm điểm của tuần lễ Maslenitsa. Nhiều hoạt động vui chơi quần chúng náo nhiệt được tổ chức, mọi người cùng nhau hát những bài hát dân ca và hòa theo những điệu nhảy truyền thống. Kết thúc lễ hội là nghi thức đốt hình nộm Maslenitsa. Đây là tục lệ lâu đời và vẫn được duy trì đến ngày nay như là một phần nhất thiết không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động ăn mừng Maslenitsa.

Cũng giống như lễ hội đón Tết cố truyền của Việt Nam, lễ hội Maslenitsa ở Nga dù trải qua nhiều thế kỷ với nhiều thăng trầm, nhưng vẫn duy trì nét độc đáo riêng có, góp phần hình thành nên đặc trưng của nền văn hóa Nga./.

Khám phá những nét độc đáo của lễ hội truyền thống Maslenitsa ảnh 4Trò chơi đấm bốc tập thể có từ lâu đời và chỉ dành riêng cho phái mạnh. (Ảnh: Trần Hiếu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục