Khẳng định bản chất và mô hình chế độ chính trị

Theo TTK Hội đồng Lý luận TW, Chương I, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định bản chất, mô hình tổng thể chế độ chính trị.
Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Chương I về Chế độ chính trị, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: về cơ bản, Chương I của Dự thảo tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể chế độ chính trị và được xác định trong Hiến pháp năm 1992; đồng thời đã sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề..

Những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo là đúng đắn. Để chặt chẽ hơn, chính xác hơn,  phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đề nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung điều 2 và điều 4 của Dự thảo.

“Kiểm soát” quyền lực Nhà nước - điểm mới của Dự thảo Hiến pháp

Điều 2 của Dự thảo quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo bổ sung quy định “kiểm soát” quyền lực Nhà nước theo tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây là một trong những điểm mới của Dự thảo Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực.

Đề nghị cần sửa đổi, bổ sung vào điều này những vấn đề sau: Đánh số rõ ràng thành 3 khoản: Khoản 1 khẳng định bản chất của Nhà nước: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.” Khoản 2 khẳng định nguồn gốc quyền lực nhà nước: “2. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.” Khoản 3 khẳng định nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước: “3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

Viết khái quát quy định “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” thành “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.” Bởi những lý do sau: quy định như thế sẽ phù hợp với đặc trưng thứ 2 của Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011): xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội “do nhân dân làm chủ;” nếu chỉ đề cập đến giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, trí thức thì vai trò của doanh nhân thế nào? Hiện nay và trong tương lai doanh nhân có vai trò rất quan trọng; và thực chất của quy định này là tuyên bố “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.”

Ba bổ sung, phát triển quan trọng quy định về Đảng

Về điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992,  phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nhận xét: so với Hiến pháp năm 1992, quy định về Đảng trong Dự thảo có ba bổ sung, phát triển quan trọng. Một là, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam..

Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đây là nét sáng tạo đột phá phù hợp với đặc điểm Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân mà còn là vì lợi ích của nhân dân lao động, của toàn dân tộc. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn đã qua và hiện nay..

Hai là, bổ sung quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.” Sự bổ sung này quy định bản chất, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân..

Ba là, khẳng định không chỉ các tổ chức của Đảng mà còn quy định thêm về việc tuân thủ, thi hành Hiến pháp và pháp luật đối với mỗi đảng viên. Đảng viên phải tự giác gương mẫu, thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Để điều này chặt chẽ hơn, chính xác hơn,  phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Thông kiến nghị: thứ nhất, bổ sung vào khoản 2 quy định Đảng chịu trách nhiệm trước “dân tộc” với những quyết định của mình, thành: “2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc về những quyết định của mình.”.

Bởi vì, Đảng không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Thứ hai, bổ sung vào khoản 3 quy định “Phương thức lãnh đạo của Đảng và hoạt động của Đảng do luật định”, thành “3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Phương thức lãnh đạo của Đảng và hoạt động của Đảng do luật định.”.

Bởi vì, phương thức lãnh đạo và hoạt động của Đảng cũng cần phải quy định rõ ràng, chặt chẽ, phải được thể chế hoá bằng luật. Hiện nay, chúng ta đã có Điều lệ Đảng và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhưng cần xây dựng luật về Đảng như các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội khác..

Việc xây dựng luật về Đảng sẽ là một trong những điều kiện bảo đảm cho các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội./..

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục