Khẳng định vị trí quan trọng của khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam

Di tích khảo cổ học biển ở Việt Nam khá phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình, bao gồm các di tích về hải cảng, thương cảng cổ; những di tích tàu cổ bị đắm và di tích về hải chiến trường.
Khẳng định vị trí quan trọng của khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam ảnh 1Toàn cảnh Hội thảo Khoa học quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển.” (Ảnh: Đăng Lâm/TTXVN)

Trong bốn ngày từ 13 đến 16/10, tại thành phố Quảng Ngãi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển” với sự tham dự của trên 170 đại biểu trong nước và quốc tế.

Trong số các đại biểu có 48 nhà khoa học, nhà nghiên cứu nước ngoài đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng Hội thảo lần này sẽ góp phần khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ngành khảo cổ học dưới nước Việt Nam đối với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Tại vùng biển Vũng Tàu, thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cũng đã khai quật được hai tàu đắm vào thế kỷ 14, 15 cùng với những hiện vật vô cùng quý giá như gốm sứ thương mại, đồ đồng, tiền đồng, súng, đạn thần công...

Đây chính là dấu tích quan trọng trong việc giao thương, buôn bán tại đây giữa tàu biển Việt Nam với nước ngoài.

Các dấu tích, di sản được tìm thấy cũng hé lộ nhiều thông tin lý thú về một con đường giao thương trên biển khá tấp nập từ nhiều thế kỷ trước, từ những chuyến hải trình xuyên đại dương của các con tàu cổ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết ngành khảo cổ dưới nước tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu khác nhau, bất ổn trong khu vực.

Ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam vừa mới hình thành và đã bắt đầu những hoạt động nghiên cứu đầu tiên tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đảo Cù Lao Chàm-Hội An ở Quảng Nam, đầm Thị Nại ở Bình Định và Bình Châu, Quảng Ngãi.

Cùng chia sẻ khó khăn trong ngành khảo cổ dưới nước, ông Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng hiện Việt Nam còn thiếu vắng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về khảo cổ biển, hành lang pháp lý để bảo vệ di sản văn hóa dưới nước chưa mạnh; nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa biển còn thấp, năng lực tài chính và cơ sở vật chất còn hạn chế...

Theo ông Hải, hiện nay loại hình di tích khảo cổ học biển ở Việt Nam khá phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình nhưng về cơ bản tạm chia thành ba loại hình chính gồm di tích về hải cảng, thương cảng cổ; những di tích tàu cổ bị đắm và di tích về hải chiến trường.

Trong bài phát biểu của mình ông Mark Staniforth, đến từ trường đại học Flinders, Australia, thành viên của Ủy ban quốc tế về các công trình tưởng niệm và di tích - Ủy ban quốc tế về Di sản văn hóa dưới nước ( ICOMOS - ICUCH) cho biết việc hợp tác quốc tế trong thời gian qua đã giúp Việt Nam đẩy mạnh công tác bảo tồn, bảo vệ và điều tra di sản văn hóa dưới nước, tăng cường ý thức cộng đồng về khảo cổ học biển, di sản văn hóa dưới nước.

Các hợp tác quốc tế đã giúp Việt Nam xây dựng một đội ngũ những nhà khảo cổ học biển có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản.

Ông Mark cho rằng Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác cần hoàn thiện hơn nữa nguồn nhân lực, phương pháp luận và trang thiết bị nhằm phát triển toàn diện ngành khảo cổ học dưới nước ở khu vực.

Việc quản lý di sản dưới nước cần gắn với giáo dục cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, gắn với việc đánh giá nguy cơ đe dọa đối với di sản, từ đó đưa ra những quyết định hiệu quả.

Việt Nam cũng cần phải tạo ra hành lang pháp lý cũng như cam kết trong việc sử dụng nguồn nhân lực đúng với chuyên môn, chuyên ngành đã được đào tạo ở các tổ chức nước ngoài.

Hội thảo cũng đã trình bày nhiều tham luận chủ yếu tập trung xoay quanh chủ đề Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á; lịch sử trao đổi và tương tác văn hóa trên biển Việt Nam; tiềm năng di chỉ khảo cổ và một số nghiên cứu tại các nước trong khu vực; những thông tin về phương pháp bảo vệ di tích dưới nước của các chuyên gia, học giả nước ngoài...

Bên cạnh đó, tại hội thảo, nhiều vấn đề quan trọng đã được các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi như thực trạng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở khu vực Đông Nam Á; vai trò, lợi ích của cộng đồng trong việc nghiên cứu, bảo vệ cũng như phát huy giá trị của di sản; hợp tác quốc tế trong quản lý, khai quật và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước; vai trò quản lý của nhà nước trong công tác quy hoạch, quản lý tại những khu vực có di tích...

Đối với vấn đề hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, một số chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế cũng lưu ý Việt Nam cần phải có cam kết sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực này đúng với chuyên môn, chuyên ngành được đào tạo...

Nằm trong chương trình hội thảo, chiều 13/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức trưng bày hơn 500 cổ vật với chuyên đề “Di sản văn hóa dưới nước” giới thiệu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; những di vật, cổ vật được tìm thấy ở vùng biển miền Trung Việt Nam và đặc biệt là ở tỉnh Quảng Ngãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục