Khảo sát tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân dioxin

Ngày 2/7, tại Đồng Nai, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức hội thảo "Khảo sát tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam."
Khảo sát tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân dioxin ảnh 1Hướng dẫn học nghề may cho trẻ khuyết tât. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 2/7, tại Đồng Nai, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức hội thảo "Khảo sát tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam."

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, khẳng định hội thảo được tổ chức để Trung ương Hội nắm bắt những vướng mắc, bất cập trong chính sách đối với người nhiễm chất độc hóa học.

Các ý kiến phản ánh, đề xuất của tỉnh Đồng Nai sẽ được Trung ương Hội tập hợp, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. Riêng với Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) - nơi vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin cao nhất cả nước, Nhà nước đã xây dựng công trình ngăn chặn tạm thời lan tỏa của dioxin ra môi trường xung quanh và chôn cô lập chờ xử lý trên 90.000m3 đất có nồng độ dioxin cao.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề cập các chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin hiện nay còn những bất cập. Nhiều người tham gia quân đội sau 1975, bị nhiễm chất độc dioxin nhưng nằm ngoài khung của chính sách.

Những người dân không tham gia kháng chiến song sống trong vùng ô nhiễm dioxin và đã bị nhiễm chất độc, bị dị tật, dị dạng, nhưng chế độ cho đối tượng này hiện vẫn chưa có.

Theo Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện, cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc da cam.

Trong chiến tranh, Đồng Nai là tỉnh bị phun rải hóa chất nặng nề nhất với gần 10 triệu/80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 50% là chất da cam đã được quân đội Mỹ phun rải trên 56% tổng diện tích đất của tỉnh.

Ngoài ra, sân bay Biên Hòa là kho lưu trữ, nạp các chất độc hóa học lên máy bay đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau phun rải nên hiện vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin cao nhất cả nước.

Theo ông Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung cho những người tham gia kháng chiến và con em họ. Song thực tế, đối tượng nhiễm dioxin còn có rất nhiều dân thường.

Thời gian qua, chính sách đối với nạn nhân nhiễm da cam khi thực hiện còn vướng mắc, điều này làm tồn đọng rất nhiều hồ sơ trong cả nước.

Ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai chia sẻ tỉnh Đồng Nai đang thực hiện chế độ ưu đãi cho 1.800 người hoạt động kháng chiến (có bốn mức từ hơn 700.000 đồng/tháng đến gần 2,8 triệu đồng/tháng) và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học.

Trong quá trình thực hiện chế độ chính sách đối với người nhiễm chất độc hóa học đã bộc lộ những bất cập. Điển hình như quy định thân nhân của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam đang hưởng trợ cấp hàng tháng, vẫn đồng chi trả mức 20% bảo hiểm y tế là chưa phù hợp.

Việc xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị mất hết giấy tờ đến nay vẫn chưa có hướng dẫn.

Việc xác nhận hồ sơ tham gia kháng chiến, bệnh, tật liên quan đến chất độc dioxin để hưởng chế độ ưu đãi vẫn chưa chặt chẽ, thiếu chính xác. Điều này dẫn đến tình trạng có đối tượng không tham gia kháng chiến nhưng vẫn làm hồ sơ để hưởng chế độ sai quy định. Nhiều người có cống hiến cho cách mạng nhưng lại thiếu giấy tờ xác nhận nên chưa tiếp cận được chính sách.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, tỉnh có hơn 13.000 người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó cán bộ kháng chiến và con cán bộ kháng chiến gần 5.000 người, còn lại là dân thường.

Ngoài 1.800 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chế độ, tỉnh Đồng Nai đang chi trợ cấp xã hội cho gần 1.400 đối tượng dân thường.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai đã vận động được trên 34 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ hơn 3.000 nạn nhân. Tuy nhiên, vẫn còn 70% gia đình có người nhiễm chất độc dioxin ở Đồng Nai rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần tham mưu để từng bước giải quyết chế độ chính sách đối với công dân bị nhiễm chất độc dioxin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục