"Khát" nhân lực, doanh nghiệp vào cuộc đào tạo

Để tự chuẩn bị nhân lực cho mình, các doanh nghiệp đã lập trường đào tạo. Mô hình này không lạ với thế giới nhưng khá mới ở Việt Nam.
Nguồn nhân lực khan hiếm trong khi chương trình đào tạo của nhiều trường đại học lại chưa đáp ứng được nhu cầu do thiếu tính thực tiễn, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu vào cuộc trong lĩnh vực đào tạo, nhất là về công nghệ thông tin.

Chạy marathon "săn" nhân lực

Với đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 9/2010, đến năm 2020 ngành này cần đến 1 triệu nhân lực.

Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam nằm trong top 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số; tỷ trọng công nghệ thông tin, truyền thông đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10%; tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên.

Theo ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, để thực hiện mục tiêu này thì đào tạo là nhân tố đầu tiên và quyết định nhất.
Ông Hợp cho rằng con số này có thể đạt được, nhưng không thể chỉ mình Bộ Thông tin và Truyền thông mà phải phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại một hội thảo với Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, nhìn ở khía cạnh khác, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng, 1 triệu nhân lực vào năm 2020 là khó đạt được khi thí sinh không còn mặn mà với ngành công nghệ thông tin.

Hiện Việt Nam có khoảng gần 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Để có 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin vào năm 2020 thì mỗi năm cần đào tạo từ 80.000 đến 100.000 sinh viên, con số này chiếm khoảng 20% tổng số sinh viên đỗ đại học, cao đẳng mỗi năm (năm 2011, tổng số sinh viên đỗ đại học, cao đẳng là trên 400.000 em).

Nhưng theo một khảo sát của Đại học FPT với trên 10.000 học sinh thuộc các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, chỉ có 6,8% học sinh có nguyện vọng lựa chọn nghề nghiệp là công nghệ thông tin, thấp hơn rất nhiều so với nhóm ngành kinh tế.

Thực tế, mùa tuyển sinh năm 2011, hàng loạt ngành học công nghệ thông tin rơi vào tình trạng “cháy” sinh viên, phải tuyển thêm nguyện vọng 2, 3. Thậm chí, ở nguyện vọng 3, nhiều trường còn trắng hồ sơ như ngành Máy tính (gồm các chuyên ngành Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật phần cứng, Kỹ thuật phần mềm) của Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên tuyển 160 chỉ tiêu nhưng không thí sinh nào đăng ký học. Ngành Khoa học máy tính, Mạng và truyền thông, Kỹ thuật máy tính của Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng tương tự.

Như vậy, để đạt được con số 1 triệu nhân lực đến năm 2020 đã là một thách thức, chưa nói tới vấn đề chất lượng nhân lực.

Doanh nghiệp “nhảy” vào đào tạo

Theo ông Lê Trường Tùng, để đẩy mạnh lực lượng nhân lực công nghệ thông tin, cần có chính sách khuyến khích mở doanh nghiệp trong nhà trường và mở trường trong doanh nghiệp.

Đại học FPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc mở cơ sở đào tạo nhân lực. Được “khai trương” từ năm 2007, trong khóa học đầu, đại học này cam kết sẽ đảm bảo việc làm cho sinh viên khi ra trường.

“Lý do chính cho việc thành lập trường là chúng tôi nhìn thấy những bất cập trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ của Việt Nam và một phần là do bản thân nhu cầu tăng trưởng của Tập đoàn,” ông Nguyễn Xuân Phong, Phó hiệu trưởng Đại học FPT chia sẻ.

Theo ông Phong, điểm khác biệt của Đại học này với các cơ sở đào tạo khác là sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, theo đó sinh viên được đào tạo đúng những gì mà doanh nghiệp và ngành đang cần theo các chuẩn quốc tế.

Mùa tuyển sinh năm 2011, trong khi nhiều trường điêu đứng vì thiếu sinh viên thì Đại học FPT dù có học phí cao nhưng vẫn dồi dào nguồn tuyển.

Tiếp sau FPT, Công ty VTC cũng đã “lấn sân” sang giáo dục bằng việc đầu tư vào trường Đại học Văn Hiến và mới đây là xúc tiến mở Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC Academy.

Theo ông Phan Sào Nam, Giám đốc VTC Online, doanh nghiệp này đang tập trung vào sản xuất nội dung số ở thị trường trong nước và xây dựng mạng Việt Nam Go.vn. Hiện tại có hơn 500 nhân sự đang làm việc tại 2 mảng này và sẽ càng tăng trong tương lai. Không chỉ VTC Online, mà ở Việt Nam còn có hàng trăm công ty trong lĩnh vực Công nghệ-Nội dung số-Truyền thông.

Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực này đang rất thiếu, chưa có trường đào tạo chuyên sâu ở Việt Nam. “Phần lớn doanh nghiệp phải tự đào tạo. Vì vậy, chúng tôi quyết định đầu tư thêm vào giáo dục, mở trường đào tạo các chuyên ngành Công nghệ Nội dung số, Quản trị Truyền thông, là những mảng thế mạnh của chúng tôi và cũng là để đáp ứng nhu cầu nhân lực của chính chúng tôi,” ông Nam chia sẻ.

Đào tạo để đáp ứng chính nhu cầu nhân lực của mình, đồng thời muốn thu hút người học nên mới đây, đầu tháng 11, VTC Academy đã ký cam kết tuyển dụng với các học viên khóa đầu tiên của mình. Theo đó, tất cả các học viên đạt kết quả học lực loại khá trở lên hoặc được nhận học bổng của Trung tâm sẽ được nhận vào VTC với mức thu nhập khởi điểm tối thiểu 10 triệu đồng/tháng. Học viên sẽ nhận được kết quả tuyển dụng chỉ sau 20 ngày sau khi tốt nghiệp.

Mô hình đào tạo tại đây cũng khá đặc biệt so với đào tạo truyền thống của Việt Nam khi bố trí 1 chuyên gia kèm cặp 5 học viên. Mỗi học viên đều được phân bổ vào các nhóm dự án thực tế do chuyên gia của VTC quản lý, sản xuất sản phẩm – dịch vụ để kinh doanh. Trong quá trình làm việc, học viên được các chuyên gia hướng dẫn trực tiếp và hỗ trợ về kỹ năng, nghiệp vụ.

Ông Nam cho biết, hình thức “cầm tay – chỉ việc” này nhằm giúp học viên nhanh chóng có được các kinh nghiệm và kỹ năng làm việc thực tế. Trong bối cảnh nguồn nhân lực khan hiếm như hiện nay, việc doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục đào tạo không chỉ để chuẩn bị nguồn nhân lực cho mình mà còn sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Vì thế, VTC Academy có định hướng sẽ trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu công nghệ nội dung số hàng đầu tại Việt Nam, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, người từng đi giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới, mô hình trường học - doanh nghiệp đã xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Trong đó, trường giúp đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp và doanh nghiệp vừa hỗ trợ đào tạo về tài chính, vừa là nơi cung cấp kiến thức thực tế cho sinh viên, bổ sung cho phần kiến thức hàn lâm sách vở./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục