"Khi vào TPP, giai đoạn đầu nhập siêu của Việt Nam sẽ tăng lên"

Vào TPP, ​ông Trương Đình Tuyển ​cho biết, có thể nhập siêu giai đoạn đầu sẽ tăng lên nhưng sau đó sẽ giảm dần nhờ kim ngạch xuất khẩu được đẩy mạnh.
"Khi vào TPP, giai đoạn đầu nhập siêu của Việt Nam sẽ tăng lên" ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đang giải thích về TPP (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước những lo ngại về nhập siêu, ​ông Trương Đình Tuyển ​cho biết, có thể nhập siêu giai đoạn đầu gia nhập Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tăng lên nhờ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi phát triển và ổn định sản xuất, xuất khẩu sẽ tăng lên, từ đó tạo động lực cho việc thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại.

Thông tin trên được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO) đưa ra tại buổi họp "Thông báo một số kết quả về đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương," do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (9/10), tại Hà Nội.

Trước đó, ngày 5/10 tại Hoa Kỳ, các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, một hiệp định ​có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực và nền kinh tế của Việt Nam.

Đánh giá về Hiệp định này, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026.

Tuy nhiên, ​lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, ​các ngành như chăn nuôi, ​dược phẩm... được đánh giá là khó khăn nhưng sẽ có đủ thời gian để tái cơ cấu và vượt qua thách thức.

Làm rõ nhận định này, theo thứ trưởng, trước khi có TPP, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, đơn cử là FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); ASEAN - Nhật Bản (AJFTA); WTO... và các lĩnh vực trên cũng đều đã chịu các tác động.

"Khi ký Hiệp định TPP, tính từ thời điểm này. ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ có 10 năm để chuẩn bị và tái cơ cấu lại khi thuế suất giảm về 0%.​ Nhìn chung, dù tác động là có nhưng không quá lớn như người nông dân lo lắng," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Tương tự với lĩnh vực dược phẩm, xu hướng giảm thuế khi gia nhập TPP là tất yếu và sức ép cạnh tranh cũng tăng dần theo thời gian, nhưng theo thứ trưởng, lĩnh vực này cũng có đủ thời gian chuẩn bị và vượt qua những thách thức.

"TPP ra tiêu chuẩn bảo hộ cao cho dược phẩm nhưng kết quả đàm phán chưa được công bố, Việt Nam sẽ có lộ trình để thực hiện phù hợp với trình độ phát triển. Sức ép một ngày nào đến, ngành dược sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị ứng phó với quy định mới," Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo đánh giá, dệt may sẽ là lĩnh vực có thể hưởng lợi nhiều khi tham gia vào TPP. Chỉ tính nửa đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chiếm gần 70% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may, do vậy khi gia nhập TPP, thị phần này có thể sẽ tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế trong TPP và để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

Dù vậy, đối với các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, trong đó có Việt Nam, Hiệp định TPP đã có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo ​đó các doanh nghiệp sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

"Vào TPP đối với Việt Nam, thuận lợi là cơ bản, những rủi ro và cạnh tranh có thể xảy ra nhưng sẽ vượt qua được," Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ​kết luận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục