Khó đạt lộ trình

Phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi: Khó đạt đúng lộ trình

Thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, nhiều địa phương cho rằng khó đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.
Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi sẽ hoàn tất vào năm 2015. Tuy nhiên, tại hội nghị Tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013-2014 vừa diễn ra ngày 22/8, tại Hà Nội, các địa phương cho rằng để đạt mục tiêu này còn rất nhiều thách thức. Thiếu trường lớp, giáo viên Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều sở giáo dục và đào tạo cho biết rất khó khăn để thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi theo tiến độ đề ra. Cụ thể, vẫn còn 35% số tỉnh, thành phố chưa có huyện nào đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Một số địa phương có tỷ lệ số xã đạt phổ cập rất thấp như Kiên Giang đạt 4,8%, Sóc Trăng đạt 6,4%, An Giang đạt 9%... Hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là thiếu cơ sở vật chất và thiếu giáo viên. Mạng lưới trường lớp chưa đáp ứng được yêu cầu huy động số lượng cũng như việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Vẫn còn thiếu hơn 20.523 giáo viên và có hơn 9.600 giáo viên chưa đạt chuẩn. Chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở một số địa phương chưa cao, đặc biệt là miền núi, lớp ghép. Một số địa phương nỗ lực để phổ cập mầm non 5 tuổi đúng lộ trình nhưng lại phải trả giá khá “đắt.” Bà Lê Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, tỉnh An Giang đã phải “bóp” số lớp 3, 4 tuổi, ưu tiên cho lớp 5 tuổi. Theo bà Hồng, số lượng học sinh lớp 5 tuổi rất lớn, có xã cần đến 10 lớp, lại học hai buổi/ngày nên Sở không lo nổi. Trong khi điều kiện về nhân lực vật lực hạn chế thì muốn ưu tiên đạt mục đích nào phải tập trung cho vấn đề đó. “Để phổ cập 5 tuổi thì buộc phải giảm lớp trẻ 3, 4 tuổi. An Giang sẽ phổ cập trẻ 5 tuổi đến trường theo đúng lộ trình Bộ đặt ra là năm 2015,” bà Hồng chia sẻ. Cũng theo bà Hồng, cách làm này đã được Sở tham mưu với lãnh đạo tỉnh An Giang và được đồng ý. “Chúng tôi cũng mong nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi xây dựng các phòng học chúng tôi sẽ trả lại quy mô lớp cho trẻ 3, 4 tuổi,” bà Hồng nói. “Bí kíp” của An Giang đã khiến cho cả hội trường ngỡ ngàng. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khi chủ trì hội nghị đã phải đề nghị Anh Giang “nói lại cho rõ.” Theo bà Nghĩa, việc phổ cập phải có kế hoạch từ trước. “Phải duy trì đào tạo ở các bậc học. Cách giảm quy mô trẻ 3, 4 tuổi là phải xem xét lại,” bà Nghĩa nói. Thực hiện "3 đồng bộ" Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh, phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2013-2014. Vì thế, các sở giáo dục và đào tạo cần thực hiện tốt công tác tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện 3 đồng bộ, gồm: Xây dựng cơ sở vật chất; chế độ chính sách cho giáo viên và chính sách hỗ trợ trẻ em đi học để đảm bảo phổ cập có chất lượng, đúng tiến độ. Muốn cải thiện tình hình thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là củng cố xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị để thực hiện phổ cập. Điều này sẽ tạo cơ hội để tăng tỷ lệ huy động trẻ đến các cơ sở giáo dục mầm non ở tất cả các độ tuổi, phấn đấu tỷ lệ chung toàn quốc đạt ít nhất 24% trẻ độ tuổi nhà trẻ và 87% trẻ độ tuổi mẫu giáo đến trường. Đối với trẻ 5 tuổi, bên cạnh việc tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, cần đảm bảo có ít nhất 95% trẻ 5 tuổi đến trường được học 2 buổi/ngày, trong đó 78% trẻ được ăn  bán trú.
Năm học 2012-2013 là năm thứ 3 cả nước triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010–2015.

Đến nay, cả nước đã có 13.741 trường mầm non, trong đó công lập là 12.098 trường, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước; trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 23%, trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 86,5%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,7%./.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục