Khó mở rộng bảo hiểm xã hội "vì một đồng người lao động cũng tiếc"

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 22% tiền lương, với nhiều người lao động mức này khá cao nên khi ngừng làm việc cho các doanh nghiệp, họ không “mặn mà” tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
Khó mở rộng bảo hiểm xã hội "vì một đồng người lao động cũng tiếc" ảnh 1Người lao động xem lại quá trình đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta phải đạt được 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, hiện nay ở nước ta mới có hơn 13.400.000 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tỷ lệ tham gia bắt buộc chỉ chiếm 24% lực lượng lao động.

[Bảo hiểm xã hội : Người lao động cũng muốn "trốn" tham gia]

Chỉ còn chưa đầy 3 năm để thực hiện mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Thời gian không còn nhiều và cần những giải pháp thật sự gần gũi với người lao động để thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội.

Số người "vào" bằng số người "ra"

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 22/8, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thừa nhận, nếu so với mục tiêu đặt ra ở Nghị quyết 21 thì tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn khoảng cách xa.

Số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện. (Đơn vị: Nghìn người, Nguồn: Bảo hiểm xã hội)

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, tỷ lệ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa được như kỳ vọng của chính sách, một phần là do điều kiện phát triển kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức chậm nên số người lao động có quan hệ lao động không tăng nhiều.

“Do điều kiện khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất dẫn tới cắt giảm lao động. Trong khi đó, số doanh nghiệp tăng mới nhiều nhưng lại ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên sử dụng ít lao động,” ông Đỗ Ngọc Thọ nói.

Người lao động có quan hệ lao động là đối tượng dễ tiếp cận nhất khi phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay việc gia tăng số lượng nhóm lao động này tham gia bảo hiểm xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Không những thế, khó khăn càng chồng chất khi nhiều người lao động đang muốn rút khỏi Quỹ bảo hiểm xã hội.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, thực tế có một khó khăn trong việc mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội là nhiều lao động rút khỏi quá trình tham gia bảo hiểm để hưởng chính sách một lần.

“Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 600.000-700.000 lao động rút khỏi bảo hiểm xã hội, cho nên nhìn tổng quan thì số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng lên nhưng nếu trừ đi số rút khỏi thì số thực tăng không đáng bao nhiêu,” ông Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.

Khó mở rộng bảo hiểm xã hội "vì một đồng người lao động cũng tiếc" ảnh 2Giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động.(Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Một đồng người lao động cũng tiếc

Trong nhóm lao động có quan hệ lao động, tổng số tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 22% tiền lương, trong đó người lao động chỉ đóng 8% nên khi còn đi làm, người lao động nào cũng muốn tham gia bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, khi kết thúc hợp đồng lao động, rất nhiều người lao động muốn nhận lại khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Theo ông Vũ Quang Thọ, người công nhân lao động họ quan niệm tiền họ làm được rất quan trọng, chỉ hơn 10.000 đồng cũng khiến họ chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh ngiệp khác. Vì vậy, khi ngừng việc, họ muốn thanh toán ngay tiền tham gia bảo hiểm xã hội.

“Những người công nhân tham gia bảo hiểm xã hội không muốn kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội vì họ chỉ nhìn lợi ích trước mắt. Do đó, mới có chuyện gần 10.000 người lao động kiến nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Rất đau lòng nhưng không làm gì được,” ông Vũ Quang Thọ nói.

Khó mở rộng bảo hiểm xã hội "vì một đồng người lao động cũng tiếc" ảnh 3(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Đặc biệt, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 22% tiền lương nên nhiều người lao động khi ngừng làm việc cho các doanh nghiệp không “mặn mà” tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. "Tâm lý người lao động bỏ một đồng họ cũng tiếc nên với tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội là 22% thì khó thu hút người lao động," ông Vũ Quang Thọ nhận xét.

[Người lao động nước ngoài chỉ muốn đóng những quỹ bảo hiểm ngắn hạn]

Để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo các mức 30% hộ nghèo, cận nghèo 25% và nhóm đối tượng khác 10%. Người lao động chọn đóng ở mức nào thì cung được hỗ trợ.

“Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp thì việc hỗ trợ là đáng quý. Tuy nhiên, mức hỗ trợ như vậy còn khiêm tốn. Theo tôi, để tạo được 'cú huých' đủ mạnh nhằm thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội thì Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn. Nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và có lương hưu hơn thì sau này Nhà nước sẽ giảm đi chi phí trợ cấp người cao tuổi,” ông Đỗ Ngọc Thọ nói.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 sẽ đạt 50% số người lao động làm công hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đến nay, mục tiêu này mới đạt được một nửa, thời gian còn lại rất ngắn và có lẽ phần việc phải làm còn rất nhiều. /.

Gia tăng số người chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục