Khổ vì cống "há miệng"

Khốn khổ vì những chiếc cống "há miệng"

Vào mùa mưa, người dân khu vực ven các con kênh Hà Nội như bà Thanh lại nơm nớp lo “cái sự” lở bờ, sụt lối và sụt… cống “ngủ quên”.
“Chỉ cần năm nay có một trận mưa bằng nửa tháng 10 năm ngoái, tôi đã không thể ra khỏi nhà vì sợ… rơi vào miệng cống”, bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân sống tại ngách 24/4 đường Đặng Tiến Đông than thở.

Vào mùa mưa, rất nhiều người dân khu vực ven các con kênh Hà Nội như bà Thanh lại nơm nớp lo “cái sự” lở bờ, sụt lối và sụt… cống “ngủ quên”.

Những đoạn cống ngủ quên

Nhiều năm nay, những hộ dân như gia đình bà Thanh đã quá quen với cảnh cống “há mồm” ngay trước cổng nhà mình. Họ cho biết, trước đây, không hề có đoạn nắp bêtông cống nào chắn trên mặt kênh IF1, đoạn chảy qua khu vực đường Thái Hà. Người dân khi ấy để thuận tiện cho giao thông phải tự dựng cầu khỉ sang phía vành đai hồ Hoàng Cầu.

Đến năm 2004, cơ quan chức năng cho tiến hành thi công xây dựng cống chắn lên trên kênh. Nhưng không hiểu sao, mới làm được chừng 10m, công nhân lại rút hết.

Phần cống hở có hình dạng gần giống một cây cầu lớn bắc qua hai bờ kênh. Xung quanh, cỏ cây mọc um tùm. Phía dưới, chân cống vô tình tạo thành một cửa cản rác thải tự nhiên. Dòng nước đen ngòm đến đây gặp vật cản dồn lại, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Điều đáng nói hơn, trải qua một vài năm không thấy cơ quan chức năng “đả  động”, nhiều người đã tranh thủ tận dụng mặt bằng nắp cống. Phía trên công trình “thế kỷ” ấy, gỗ ván được xếp cao ngất.

“Trước đi cầu khỉ, trời mưa đã sợ. Giờ tiếng là có cầu, nhưng quá bằng không”, bà Thanh cho biết thêm.

Cũng chịu hoàn cảnh tương tự, đoạn nắp cống được xây từ trước năm 2004 vắt qua kênh Thanh Nhàn giờ vẫn bỏ ngỏ. Khoảng hơn 500m kênh còn lại la liệt cầu khỉ người dân “buộc” phải bắc ngang để qua bờ.

"Binh pháp"…  kè mương

Không chỉ khổ vì cống xây bỏ dở giữa chừng, dân cư khu vực ven các mương của Hà Nội còn than trời vì... mương lở.

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, rất nhiều đoạn đường ven kênh đã có hiện tượng sụt lún nghiêm trọng, trong khi mùa mưa đang ngày càng tới gần.

Đoạn kênh Sơn Tây chảy qua khu tập thể Cục đo đạc bản đồ (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) từ mấy ngày nay đã được công nhân môi trường nạo vét đáy. Kèm theo đó, lớp đất mặt đường gần đó bị kéo lún xuống. Thậm chí, đoạn gần cầu Trung Liệt còn bị nước bào mòn sâu vào trong tới 30cm.

Ông Nguyễn Hữu Trình, trú tại số nhà C5P8 cho biết: “Mưa lớn thì nước ăn chân đường, vét đáy kênh thì đất sụt.”

Nhìn ra đoạn mương chừng 5m trước cửa nhà, ông tính toán: mỗi năm trung bình người dân phải mất 2 lần xây kè chắn. 

Kè được dựng thô sơ bằng cách thuê người lội xuống kênh đen ngòm, đóng chừng 6 cọc tre sát bờ. Phía trên, hai cây tre đực dài, cứng được chọn để làm thanh chắn ngang và buộc sơ sài bằng dây thép.

Nhiều người nói vui, làm kè chống lở là cuộc chiến đấu bất tận với... dòng kênh.

Nói về “nghệ thuật” kè bờ, chị Vân (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tỏ ra khá am tường. Chị cùng chồng thuê một mảnh đất nhô ra kênh Thái Hà trong ngõ 33 Đặng Tiến Đông làm bãi tập kết sắt vụn. Để đảm bảo “an toàn mùa mưa lũ”, chị cũng thuê người dầm mình dưới dòng nước, chôn cọc sắt. Xung quanh, một hàng rào mắt cáo cũ kỹ chăng kín. Đoạn nào hở thì đã có gỗ, tre và cả tôn chèn vào.

Đã làm đến thế, nhưng mỗi lần nước lên cao, đất vẫn bị kéo xuống. Anh chị liền nghĩ ra cách tạo hệ thống “dây tăng lực”. Chỉ tay lên trần nhà ngang dọc dây thép, chồng chị bảo: “Để tăng sức chịu đựng của hàng rào, vợ chồng tôi phải giăng dây buộc từ mép kè, kéo căng và buộc chặt vào trụ xà nhà.”

Do vậy, sân trước nhà anh chị chăng kín dây, chằng chịt như mạng nhện.

Người dân sống ven đoạn kênh IF1 (ngõ 33 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội) còn chuyên nghiệp hơn nữa trong “sự be bờ”. Cứ gần mùa mưa bão, cộng đồng khu vực này lại họp nhau bàn mưu “trị thủy”.

Tính vững bền của công trình được đặt lên hàng đầu. Do đó, họ mua hẳn những cây gỗ lớn, rồi thuê người xẻ ra từng đoạn dài chừng 5m. Cứ 20 đoạn hợp thành một tấm phên, cố định bằng 2 thanh gỗ lớn nằm ngang.

Mỗi tấm phên được kè ôm sát chân mương, đóng sâu dưới đáy bùn 1m. Đầu kè chắn bởi mấy tấm bêtông nặng trịch.

Nhìn qua, đoạn mương IF1 như một chân thành cổ kiên cố. Đơn giản thế nhưng giá của mỗi công trình kè cống này vào khoảng gần 2 triệu đồng.

“Chúng tôi chỉ mong phường sớm có kế hoạch chống lở cho dân. Nếu không, mỗi lần mưa lớn, cả xóm, cả khu lại nơm nớp lo liệu dãy kè có chịu được sức nước?”, ông Trình than thở./.
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục