Khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu đang bị thiếu ăn kinh niên

Toàn cầu đang có khoảng 850 triệu người bị đói, khoảng 2 tỷ người bị thiếu ăn kinh niên và hàng năm có khoảng 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng.
Khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu đang bị thiếu ăn kinh niên ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: prmariltonramos)

Tại hội nghị "Một thế giới không còn nạn đói" diễn ra ở thủ đô Berlin ngày 25/3, Chính phủ Đức đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xóa bỏ nạn đói hoàn toàn vào năm 2030 thông qua việc phát triển nông thôn và sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hàng trăm chuyên gia lương thực quốc tế, trong đó có Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) Ertharin Cousin và Chủ tịch Tổ chức Cứu đói thế giới Đức Bärbel Dieckmann đã tham dự hội nghị.

Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển kinh tế liên bang Đức Gerd Müller cho biết mục tiêu chung của các nước là tạo một thế giới không còn nạn đói trong bối cảnh toàn cầu đang có khoảng 850 triệu người bị đói, khoảng 2 tỷ người bị thiếu ăn kinh niên và hàng năm có khoảng 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng.

Ông Müller cho rằng thế giới có thể loại bỏ hoàn toàn nạn đói vào năm 2030 và mục tiêu này sẽ được tập trung thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7), cũng như trong các cuộc đàm phán tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Theo ông Müller, nguyên nhân chính của đói và thiếu ăn trên thế giới xuất phát từ tình trạng không đủ cung ứng về lương thực, thực phẩm và do nghèo đói, người dân không có tiền để mua các lương thực thiết yếu cho bản thân.

Ông cho rằng an ninh lương thực là vấn đề cấu trúc tại khu vực nông thôn và do vậy, Chính phủ Đức coi một trong những trọng tâm của chính sách phát triển là hỗ trợ các hộ nông dân cũng như phát triển khu vực nông thôn.

Với 12 trung tâm Sáng tạo Xanh ở châu Phi, một ở Ấn Độ được Chính phủ Đức thành lập, việc sản xuất thực phẩm hoàn toàn theo chuỗi cung ứng đã được đẩy mạnh.

Đức cũng dự định tăng chi phí hàng năm cho phát triển nông thôn và an ninh lương thực từ mức khoảng 1 tỷ euro hiện nay lên 1,4 tỷ euro và một phần trong số này sẽ được sử dụng để tiếp tục thành lập các trung tâm sáng tạo xanh cho nông nghiệp và thực phẩm.

Giám đốc WFP E.Cousin cũng khẳng định thế giới cần phải đặt các ưu tiên và mục đích cho tương lai không còn người đói và mục tiêu này là có thể thực hiện được.

Để tiến tới mục tiêu này, cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò chủ chốt của người phụ nữ trong phát triển nông nghiệp và sản xuất lương thực, trong khi các hộ nông dân cũng phải thực hiện sản xuất theo hướng bền vững.

Sáng kiến "Một thế giới không còn đói nghèo" của Chính phủ Đức bao gồm 10 trọng điểm, trong đó có chống nạn đói kinh niên, chống thiếu ăn; mọi người đều có đủ thực phẩm sạch; khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp và thực phẩm, trong phát triển nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi cấu trúc kinh tế-xã hội khu vực nông thôn; bảo vệ và kêu gọi sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục