Khoảng 227.000 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng

Kể từ năm 1990 đến tháng Sáu vừa qua, số người nhiễm HIV ở Việt Nam còn sống là 227.144 người; trong đó có 71.115 người đã chuyển sang AIDS.
Khoảng 227.000 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng ảnh 1Khám và tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Theo Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990, tính đến tháng Sáu vừa qua, tại Việt Nam, số người nhiễm HIV còn sống là 227.144 người, trong đó có 71.115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

Ngoài ra, đã có 74.442 người tử vong do HIV/AIDS. Đại dịch HIV đã có mặt ở 100% số tỉnh, thành phố; 99% số quận, huyện và hơn 80% số xã, phường, thị trấn.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2005-2015 và Công bố Hướng dẫn điều trị, chăm sóc HIV/AIDS mới, tổ chức ngày 31/7 tại Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận những kết quả đạt được của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ tại Việt Nam trong 10 năm qua.

Một trong những thành tựu nổi bật của công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam là giảm và hạn chế tốc độ gia tăng HIV/AIDS; giảm số người tử vong do HIV/AIDS.

Cục phòng, chống HIV/AIDS đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, từ việc củng cố hệ thống tổ chức, hoàn thiện hành lang pháp lý đến việc triển khai rộng rãi các hoạt động chuyên môn, cũng như nghiên cứu khoa học, hợp tác và phát triển.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến nay 62/63 tỉnh, thành phố đã thành lập “Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS” thuộc Sở Y tế (trừ Thành phố Hồ Chí Minh giữ mô hình Văn phòng Ủy ban phòng chống AIDS theo đặc thù riêng). Công tác truyền thông đã được quan tâm, liên tục được đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức.

Công tác tư vấn xét nghiệm HIV đã được thực hiện nhiều mô hình khác nhau tại cả các cơ sở y tế và triển khai lưu động tại cộng đồng. Hiện có hơn 1.300 cơ sở xét nghiệm HIV, mỗi năm tiến hành xét nghiệm hàng triệu mẫu xét nghiệm, tăng gấp đôi so với 5 năm trước đây. Giám sát trọng điểm cũng được tiến hành thường xuyên hàng năm tại 40 tỉnh, thành phố.

Trong 10 năm qua, đội ngũ cán bộ y tế và các tuyên truyền viên đồng đẳng đã tiếp cận với các nhóm nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới để phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, vận động họ tiếp cận dịch vụ tư vấn-xét nghiệm HIV, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện…

Đặc biệt, sau khi thí điểm thành công ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2009, phương pháp điều trị bằng Methadone hiện nay đang được quan tâm mở rộng để điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Hiện có 47 tỉnh, thành phố đang triển khai điều trị Methadone cho hơn 33.000 bệnh nhân, mang lại hiệu quả to lớn về sức khỏe, dự phòng lây nhiễm HIV cũng như những hiệu quả khác về kinh tế, góp phần ổn định trật tự, an ninh cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong 10 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Hiện nay, 50% số huyện đã có cơ sở điều trị HIV/AIDS và trên 500 trạm y tế xã đã cấp phát thuốc ARV cho người bệnh. Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công Sáng kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm đưa các dịch vụ xét nghiệm và điều trị ARV về các trạm y tế xã...

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã công bố Hướng dẫn điều trị, chăm sóc HIV/AIDS mới. Theo đó, hướng dẫn tập trung vào những nội dung như tư vấn và xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc kháng virus, dự phòng và điều trị một số bệnh phối hợp thường gặp, các biện pháp can thiệp dự phòng cho người nhiễm HIV...

Nhân dịp này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục